Ngày pháp luật

Bamboo Airways có tân Chủ tịch Hội đồng quản trị là người Nhật, đặt mục tiêu hết lỗ năm 2024

An An

Từ năm 2024, Bamboo Airways đặt mục tiêu mỗi năm tăng 8-10 tàu bay để nâng đội bay lên 100 tàu.

Bamboo Airways có tân Chủ tịch Hội đồng quản trị là người Nhật Bản

Tại cuộc họp thường niên 2023 diễn ra vào sáng ngày 21/06, Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã bầu ra 7 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028. Trong đó có 4 gương mặt quen là ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên và ông Lê Thái Sâm, cùng với ba nhân vật mới là ông Trần Hòa Bình, ông Oshima Hideki, ông Phan Đình Tuệ.

Đại hội đồng cổ đông cũng đã bầu 03 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 là bà Nguyễn Thị Hữu, bà Nguyễn Bích Ngọc, ông Nguyễn Đăng Khoa, bổ sung và thay thế cho các thành viên cũ đã từ nhiệm.

Hội đồng quản trị Bamboo Airways đã họp và thống nhất bầu ông Oshima Hideki là Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Airways.

Bên cạnh ông Oshima Hideki, Hội đồng quản trị Bamboo Airways cũng sẽ nhận được sự cố vấn từ ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines.

Ông Hideki Oshima được giới thiệu sinh năm 1962, quốc tịch Nhật Bản, là cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không thuộc hãng Hàng không Japan Airlines. 

Tại Đại hội, ông Oshima Hideki nhấn mạnh, tính an toàn là yếu tố tiên quyết trong hàng không, tiếp theo đó là việc cung cấp dịch vụ chất lượng cho hành khách. Yếu tố quan trọng để cải thiện lợi nhuận trong lĩnh vực hàng không xuất phát từ việc mỗi nhân viên sẽ phải có trách nhiệm với chi phí của chính bộ phận mình.

Nói cách khác, mỗi cá nhân phải có ý thức và tư duy của người làm quản trị doanh nghiệp. 

Bamboo Airways đặt mục tiêu hết lỗ năm 2024

Tại đại hội, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, khoản lỗ 17.600 tỷ đồng của năm 2022 được ghi nhận trong quá trình chuyển giao và tái cấu trúc, đồng thời lưu ý đây là “khoản lỗ của một thời kỳ chứ không chỉ riêng năm 2022”. Kết thúc năm 2022, Bamboo Airways đã hết giai đoạn hình thành và bây giờ sẽ phát triển.

Mục tiêu của ban điều hành hiện tại là đưa Bamboo Airways về điểm hòa vốn hoặc có lãi từ năm 2024.

Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo Bamboo Airways hướng tăng quy mô sản xuất, tăng tàu bay. Dự kiến hãng khai thác đội bay đạt 30 - 36 máy bay đến cuối năm 2023. 

Từ năm 2024, Bamboo Airways đặt mục tiêu mỗi năm tăng 8-10 tàu bay để nâng đội bay lên 100 tàu.

Cùng với tăng quy mô sản xuất để tăng doanh thu, Bamboo Airways cũng sẽ chủ động cắt giảm các chi phí. Duy trì hệ số sử dụng ghế đạt 81,5%, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ đạt trên 90%.

Về tình hình kinh doanh, Bamboo Airways cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần của Bamboo Airways đạt 51% so với tổng doanh thu thuần năm 2022. Từ tháng 1/2023, Bamboo đã đạt điểm hoà vốn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Tuy nhiên, năm 2023 vẫn là một giai đoạn khó khăn của các hãng hàng không trong đó có Bamboo Airways. Trên toàn cầu, các thị trường châu Âu và châu Mỹ đã có lãi trở lại do sức mua tốt hơn và tương đối nhạy bén so với khủng hoảng, cùng tăng cùng giảm. Nhưng với các hãng châu Á, IATA vẫn dự báo khu vực này sẽ lỗ khoảng 6 tỷ USD trong năm 2022.

Do nhu cầu nén vào năm 2022 đã bung ra nên năm 2023 người dân sẽ tiết kiệm trở lại, đây là một trong những yếu tố không thuận lợi với ngành hàng không. Ngoài ra, giá nhiên liệu cũng là vấn đề đau đầu với các hãng hàng không, hiện đã ổn định nhưng ở mức cao.

Tin Cùng Chuyên Mục