Được xem là có khả năng khai mở hết tiềm năng của trà, ấm tử sa chính là trà cụ độc đáo giúp nâng hương vị trà lên một tầm cao mới.
Sự độc đáo của ấm tử sa
Ấm tử sa là tên gọi của một loại ấm pha trà được làm bằng đất, nung ở nhiệt độ cao, không tráng men. Sở dĩ có tên gọi này vì ấm tử sa được làm bằng đất sét tím, xuất phát từ vùng Nghi Hưng (Giang Tô, Trung Quốc). Được coi như một trà cụ không thể thiếu trong nghệ thuật thưởng trà, ấm tử sa hấp dẫn người chơi bằng vẻ đẹp trầm mặc, cổ điển, sang trọng và một lịch sử lâu đời gắn liền với những “huyền thoại” về giá trị của nó.
Mỗi chiếc ấm tử sa chỉ được dùng để pha với một loại trà nhất định. Độ xốp, khả năng giữ nhiệt tốt và các vi khoáng có trong đất sét tử sa được xem là những yếu tố có thể tác động đến hương vị của trà, bởi vậy, nhiều người tin rằng trà được pha bằng ấm tử sa thơm ngon hơn so với trà pha trong ấm sứ hay thuỷ tinh.
Để giải mã những huyền thoại xung quanh chiếc ấm trà tử sa, các nhà khoa học đã vào cuộc và qua nhiều thí nghiệm, nghiên cứu, họ đưa ra kết luận rằng: sự kì diệu của hương vị trà trong ấm tử sa đến từ thành phần khoáng vi lượng có trong chất đất làm ấm.
Trước hết, cần phải hiểu rằng hương vị của chén trà được cấu thành bởi 2 phần chính bao gồm: chất hữu cơ trong lá trà và các loại khoáng vi lượng.
Trước đây, nhiều người lầm tưởng rằng chất hữu cơ trong trà (thường gọi là cao trà) qua thời gian sẽ tích tụ vào ấm và làm gia tăng hương vị; tuy nhiên, thực tế thì các chất này sẽ rất nhanh bị oxi hoá và không có tác dụng gì trong lần pha trà tiếp theo.
Bởi vậy, chìa khoá cho sự kì diệu của ấm tử sa nằm ở thành phần khoáng vi lượng như canxi, magie, sắt, kẽm… có trong chất đất làm gốm và vì bề mặt của ấm không tráng men nên các chất này sẽ được giải phóng vào trong nước trà trong quá trình pha. Các chất khoáng vi lượng này tồn tại bền bỉ chứ không mất đi nhanh chóng như tinh dầu hữu cơ của lá trà và chính chúng sẽ đóng góp vào hương vị của chén trà như làm giảm độ gắt, khô của nước trà, giúp nước trà mềm và có hương thơm dịu.
Nghệ thuật dưỡng ấm tử sa
Dưỡng ấm tử sa là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kì và cần được thực hiện hàng ngày; giúp tăng độ sáng bóng bên ngoài của ấm và làm nước trà ngon hơn khi pha. Trong nghệ thuật thưởng trà, người ta thường rất cầu kì trong việc dưỡng ấm và coi đây là một thú vui tao nhã.
Vì mỗi ấm tử sa chỉ dùng để pha một loại trà nên người ta tin rằng mỗi chiếc ấm cũng chứa đựng sinh khí, có sức sống riêng. Mỗi nghệ nhân trà thường có rất nhiều loại ấm khác nhau và luôn chú trọng tới thời gian dùng ấm sao cho không một chiếc ấm nào bị “bỏ bê” quá lâu, nhờ đó, mỗi chiếc ấm sẽ thấm nhuần được hương vị trà và nhuận sắc sơn.
Những chiếc ấm tử sa được dưỡng đúng cách sẽ có vẻ ngoài sáng bóng, mịn màng. Càng dùng lâu, ấm càng thấm nhuần nhiều tinh chất, tinh thần của trà và người pha trà, nhờ đó mà trở nên tinh tế hơn và giá trị hơn.
Tuy nhiên, pha trà và thưởng trà là một nghệ thuật rất tinh tế mà không phải ai cũng có thể cảm thụ được. Bởi vậy, dưỡng ấm tử sa không chỉ đòi hỏi sự cảm nhận về thị giác, vị giác, xúc giác mà còn đòi hỏi người chơi ấm phải có một tâm hồn nhạy cảm. Bên cạnh tinh thần và sự tỉ mỉ thì điều quan trọng không kém trong nghệ thuật dưỡng ấm chính là sự am hiểu và chọn lựa các loại trà phù hợp.
Các công đoạn để dưỡng ấm tử sa bao gồm: vệ sinh ấm bằng chính nước trà nóng; dùng bút lông để làm sạch bên ngoài ấm; dùng khăn lau sạch ấm sau mỗi lần sử dụng; đặt ấm nghiêng, mở nắp khi không sử dụng và cho ấm thời gian nghỉ ngơi vừa đủ để không bị biến dạng, biến chất.
Chiếc ấm tử sa đắt nhất thế giới
Kỉ lục ấm tử sa đắt nhất thế giới thuộc về những chiếc ấm do nghệ nhân Cố Cảnh Chu (1915-1996) sống tại Nghi Hưng, Trung Quốc chế tác. Được coi là bậc thầy trong việc chế tác ấm tử sa đương đại, mỗi chiếc ấm của Cố Cảnh Chu không chỉ là chuẩn mực trong nghệ thuật thưởng trà mà còn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị rất cao. Chiếc ấm tử sa được Cố Cảnh Chu sản xuất năm 1943 đã được bán với giá 1.32 triệu USD vào năm 2013. Chiếc ấm này có dáng Thạch Biều với những đường nét thanh tú, độc đáo.
Một sản phẩm khác của nghệ nhân Cố Cảnh Chu đã được bán với giá 2 triệu USD tại một phiên đấu giá tại Bắc Kinh năm 2010. Cũng là dáng ấm Thạch Biều, song chiếc ấm tử sa này lại được khắc thư pháp bởi nghệ nhân Jiang Handing. Đây là số tiền khổng lồ để sở hữu một chiếc ấm pha trà tại thời điểm đó.