Ngày pháp luật

6 lý do khiến bất động sản sốt nóng

Theo TheLeader

Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, việc các nhà đầu tư thắng lớn trên thị trường tài chính, chứng khoán đang chuyển lợi nhuận sang bất động sản chính là một trong những lý do quan trọng khiến thị trường này sốt nóng.

"Đúng là nóng thật", ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group đã khẳng định như vậy về thực trạng thị trường bất động sản hiện nay.

Nếu như cách đây một năm, giá bất động sản Hoà Lạc chỉ vài triệu đồng/m2, hiện nay, mức giá này đã lên hơn 10 triệu đồng/m2, thậm chí có những khu vực đạt đến 20 - 30 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group

Theo ông Tuyển, từ đầu năm 2020, thị trường bất động sản đã xôn xao câu chuyện giá đất Hoà Lạc sốt nóng, năm nay, câu chuyện vẫn vậy, không có gì mới, chỉ có khác là giá bất động sản đã tăng rất nhiều. Mỗi ngày có hàng chục đoàn xe của các nhà đầu tư xuống Hòa Lạc xem đất, mua nhà.

Đáng chú ý, bất động sản Hoà Lạc chỉ là một trong số rất nhiều thị trường đang rất nóng hiện nay, ông Tuyển nhận định và dẫn chứng ra hàng loạt điểm nóng khác trên thị trường. Đơn cử như một dự án biệt thự ven đô tại Hoà Bình giá tầm 7 - 10 tỷ đồng/căn. Mỗi ngày dự án giao dịch hàng chục căn biệt thự.

Hay như một dự án đất nền ở tỉnh Quảng Ninh có quy mô 300 căn chỉ bán trong 2 ngày đã hết hàng. Dự án đất đấu giá khác ở Bắc Giang, chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất tăng gấp 1,5 - 2 lần so với giá tham chiếu trong phiên đấu.

"Ở Bảo Lộc, Lâm Đồng miễn là có đất bán thì sẽ có người mua. Rồi gần đây, nhà đất Phước Long (Bình Phước) cũng sôi động do có thông tin sân bay. Giá đất không ngừng nhảy múa.

Ngay cả đến chung cư, các dự án chung cư tại Bình Dương ra bao nhiêu cũng hết hàng mặc dù giá không hề rẻ, khoảng 40 triệu đồng/m2. Giá chung cư tại Cần Thơ cũng đã lên đến trên dưới 30 triệu đồng/m2", ông Tuyển chia sẻ.

6 lý do khiến bất động sản sốt nóng - Ảnh 1

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng sốt nóng trên thị trường bất động sản thời gian gần đây, ông Tuyển cho rằng, có sáu lý do chính. 

Thứ nhất, lượng tiền cung ra thị trường hiện rất lớn và đang chảy vào ngành tài chính. Năm 2020, đầu 2021, trong khi các ngành sản xuất, chế biến, nông, lâm, thuỷ sản, hàng không, dịch vụ du lịch gặp khó do Covid-19 thì ngân hàng, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu), tiền ảo... đều báo lãi rất lớn.

"Có lẽ, người dân đã tìm ra nơi để kiếm tiền khác, ngoài nghề chính của mình. Đó chính là canh bạc tài chính! Các nhà đầu tư F0 hồ hởi, nô nức gọi nhau đi mở tài khoản chứng khoán hay đi vuốt đèn thần”, ông Tuyển chia sẻ.

Quan trọng hơn, sau khi có lãi, kênh “găm” tiền yêu thích và chắc chắn nhất của các nhà đầu tư lại là bất động sản. Đó chính là lý do khiến thị trường bất động sản khắp nơi đều đang có tín hiệu tốt, các nhà đầu tư "điên cuồng" vào thị trường. 

Thậm chí, thị trường còn xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới chưa từng tham gia vào thị trường bất động sản thì nay cũng đổ tiền vào đất.

Thứ hai, trong khi nguồn cầu rất lớn thì nguồn cung dự án ra thị trường lại không nhiều. Cả Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố lớn năm 2020 không có quá 20 dự án được cấp chủ chương đầu tư.

Nguồn hàng mới hầu như không có, hàng cũ vì vậy có cơ hội bán ra và tăng giá. Nhân cơ hội này, bất động sản các tỉnh lẻ bắt đầu lên ngôi do giá thấp và được các chủ đầu tư lớn chạy về bắt tay “lập quy hoạch”.

Thứ ba là hạ tầng giao thông phát triển và phương tiện cá nhân tăng nhanh. Trong 5 năm qua, số lượng ô tô ở Việt Nam đã tăng rất nhanh.

Hệ thống các tuyến đường cao tốc được xây dựng và nâng cấp đường quốc lộ đã khiến việc đi lại giữa các địa phương rất thuận tiện. Đây là tiền đề của phát triển kinh tế và kỳ vọng cho phát triển kinh tế. Vì vậy, các nhà đầu tư có cơ hội tìm được những điểm trũng của thị trường để đầu tư một cách nhanh chóng.

Thứ tư là yếu tố về thông tin quy hoạch. Chưa bao giờ các tỉnh đề xuất làm sân bay nhiều như thời gian gần đây. Hiện tại, Việt Nam có 22 sân bay trong đó có 10 sân bay quốc tế. Nhiều địa phương cũng đề xuất xin làm các dự án sân bay.

"Chưa cần bàn tới mức độ cần thiết và tác dụng của sân bay thế nào tới kinh tế, nhưng trước mắt nhà đầu tư cứ thấy có lý do là mua bán đất. Rồi cao tốc cũng vậy. Thông tin quy hoạch các thành phố mới, thành phố vệ tinh cũng làm giá đất tăng cao", ông Tuyển nhận định.

Yếu tố thứ năm theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này là tâm lý phấn khởi, hồ hởi sau Đại hội Đảng. Sau đại hội, mọi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đều sẽ tốt hơn lên, trong đó có thị trường bất động sản.

Thứ sáu là đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát. Sự xuất hiện của dịch bệnh này hiện đã không gây trạng thái hoảng loạn cho người dân và các nhà đầu tư trên thị trường do họ đã quen với tâm lý chống dịch.

Trong thời gian tới, khi có vaccine và dịch bệnh được khống chế trên phạm vi toàn thế giới, thị trường bất động sản sẽ có sức bật mạnh mẽ.

Với trạng thái thị trường hiện tại, ông Tuyển cho rằng, thị trường bất động sản có thể không xấu đi trong ít nhất một năm nữa do các yếu tố tích cực quá nhiều. Các nhà đầu tư “vẫn nên tự tin đầu tư" vào thị trường. Năm nay sẽ tiếp tục là năm gặt hái nhiều thành công của các môi giới bất động sản và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Chủ tịch BHS Group cũng nhấn mạnh rằng, trước khi xuống tiền vào các dự án, nhà đầu tư cần nghiên cứu pháp lý thật cẩn thận. Nhà đầu tư bất động sản không nên tham giá rẻ mà đầu tư vào các dự án không rõ ràng, minh bạch về pháp lý vì rủi ro là không nhỏ.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục