Ngày pháp luật

Đầu tư 6.619 tỷ đồng xây 60 km cao tốc Dầu Giây – Tân Phú

Báo đầu tư

Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Ban quản lý dự án Thăng Long vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần 1: đoạn Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn I, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 năm gần đây, một đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được trình lên cấp có thẩm quyền.

Theo phương án mới nhất, Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu (Km0) giao với Quốc lộ 1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP HCM - Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận xã Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cách ngã ba Dầu Giây khoảng 2,7km về phía Bắc (tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km59+594, giao cắt với QL20 tại Km69+400, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. 

Nút giao Quôc lộ 1 với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ là điểm khởi đầu tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.
Nút giao Quôc lộ 1 với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ là điểm khởi đầu tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 59,6km được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m), vận tốc khai thác 80km/h. Tổng mức đầu tư  Dự án bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công xây dựng là 6.619,234 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án Thăng Long đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, trong đó nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng công trình dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí sử dụng đường bộ; Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1.300 tỷ đồng thực hiện Dự án. Với doanh thu từ thu phí lưu lượng trên cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú theo quy mô 17m và nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Dự án đảm bảo khả năng hoàn vốn cho Nhà đầu tư trong khoảng thời gian dưới 15,5 năm khai thác. 

Nếu được thông qua, chủ trương đầu tư, dự án sẽ tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư (bao gồm cả thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng Dự án) từ quý IV/2021 - quý I/2022; khởi công công trình vào quý IV/2022; hoàn thành công trình và đưa vào khai thác vào quý I/2025.

Việc đầu tư xây dựng dự án thành phần 1: Dầu Giây - Tân Phú trước mắt san sẻ lưu lượng ngày càng tăng cao, cũng như rút ngắn thời gian đi lại và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20; thu hút lưu lượng, từ đó làm tiền để thuận lợi để xây dựng các đoạn còn lại của cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Bên cạnh đó, khi cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đưa vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội các địa phương có dự án đi qua và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20; hỗ trợ phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục