Có khoảng 16 tỷ điện thoại di động trên toàn cầu, các nhà khoa học dự kiến hơn 5,3 tỷ chiếc sẽ trở thành phế liệu trong năm 2022. Lượng lớn thiết bị điện tử bị vứt bỏ sẽ gây ra gánh nặng lớn với môi trường.
Dù được tạo nên từ những kim loại quý như vàng, bạc, đồng, platin cùng nhiều vật liệu tái chế khác, nhóm nhà khoa học thuộc diễn đàn WEEE (tổ chức nghiên cứu rác thải công nghệ) cho rằng đa phần các thiết bị này sẽ được chôn lấp hoặc đốt trong các lò nung rác tạo lượng khí thải khổng lồ.
Về tác động tiêu cực mà rác thải điện tử để lại, các nhà khoa học công bố tại một số quốc gia Châu Phi, trứng gà gần các nơi chôn lấp thiết bị điện tử có lượng dioxin cao gấp 220 lần tiêu chuẩn cho phép tại Châu Âu. Những chất nguy hại trong điện thoại như thủy ngân ảnh hưởng tới đất canh tác, làm ô nghiễm nguồn nước cùng chuỗi thức ăn.
"Điện thoại di động bỏ đi có ảnh hưởng rất tiêu cực tới môi trường. Nếu các kim loại bên trong điện thoại không được tái chế đúng cách, chúng sẽ lại được khai thác tại các mỏ kim loại thô tại Trung Quốc hay Congo, tạo thêm nhiều áp lực cho bầu khí quyển", ông Pascal Leroy, đại diện WEEE cho biết.
Theo thống kê, vào năm 2020 có tới 44,48 triệu tấn rác thải điện tử không được tái chế. Nhiều gia đình tại Châu Âu đang tích trữ những sản phẩm này mà không đưa chúng tới các cơ sở xử lý, WEEE cho hay trung bình mỗi hộ gia đình Châu Âu đang tích trữ 5kg rác thải công nghệ.
Lý do có thể tới từ việc họ quên, tích trữ để tái xử dụng trong tương lai hay lười mang chúng đi tái chế, lượng sản phẩm công nghệ bỏ đi nếu được tái sử dụng đúng cách sẽ làm giảm đáng kể tình trạng khai thác kim loại toàn cầu, giúp giảm thiểu tình trạng xả thải tới môi trường.
Đầu tháng này, khối EU công bố kế hoạch đưa USB-C trở thành chuẩn sạc chung cho các thiết bị điện thoại, máy tính bảng và máy ảnh vào năm 2024. Động thái này sẽ tiết kiệm được 200 triệu Euro cùng hàng nghìn tấn rác thải điện tử tại Châu Âu mỗi năm.