Lãi phát sinh trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2018 của 47 doanh nghiệp nhà nước đạt 68.668 tỷ đồng, bằng 71% so với kế hoạch năm 2018.
Tại buổi họp báo chuyên đề vừa được Bộ Tài chính tổ chức chiều 19/11, lãnh đạo Cục Tài chính Doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của 47 doanh nghiệp nhà nước là 691.508 tỷ đồng, lãi phát sinh trước thuế là 68.668 tỷ đồng, thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt 102.357 tỷ đồng.
"Như vậy, các kết quả doanh thu, lợi nhuận nộp ngân sách của các doanh nghiệp đều đạt kết quả tích cực", ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng.
Ông Tiến lấy ví dụ giai đoạn trước năm 2015, tổng hợp kết quả hoạt động của trên 300 doanh nghiệp sau cổ phần hóa năm 2015 cho thấy, so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.
"Điển hình như Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng 40 lần. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam có doanh thu tăng 10 lần, nộp ngân sách tăng trên 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần", Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp cho biết.
Đến năm 2017, theo báo cáo của 294 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thì tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần là 543.858 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016.
Tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp cổ phần theo báo cáo hợp nhất là 337.627 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 210.035 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016; tổng doanh thu đạt 482.545 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 36.633 tỷ đồng, tăng 11% so với số thực hiện năm 2016.
Theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần thì có 35 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng; tổng số phát sinh phải nộp ngân sách đạt 47.297 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016.
Trong đó, một số doanh nghiệp cổ phần có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỷ đồng....
"Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty Cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng. Hay Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng", ông Tiến nói.
Mặc dù ghi nhận các kết quả đạt được của doanh nghiệp nhà nước, song đại diện Bộ Tài chính cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế của khối doanh nghiệp này.
Cụ thể, việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung. Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.
Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của doanh nghiệp nhà nước còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước chưa đầy đủ, nghiêm túc.
"Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp nhà nước chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh", ông Đặng Quyết Tiến đánh giá.
Để khắc phục được tình trạng này, lãnh đạo Cục tài chính doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ và phương thức kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn, áp dụng phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thanh toán điện tử... đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, mô hình quản lý, quản trị trong nền kinh tế 4.0.