Các chỉ số quan trọng lập đỉnh
Sau nhịp điều chỉnh ngay đầu năm, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở lại nhanh chóng và không mất nhiều thời gian để vượt đỉnh 1.200 điểm sau 3 năm chờ đợi. Không dừng lại, thị trường tiếp tục đi lên mạnh mẽ và lần lượt chinh phục các mốc 1.300, 1.400 điểm với các chủ lực đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép.
“Cơn sóng” này kéo dài 2 tháng cho tới hết tháng 6 trước khi xuất hiện một nhịp điều chỉnh cần thiết. Dòng tiền sau đó đã có sự chuyển dịch từ cổ phiếu ngân hàng sang các nhóm ngành khác như bất động sản, dầu khí... VN-Index một lần nữa vượt đỉnh vào cuối tháng 10 dù cổ phiếu ngân hàng nhiều thời điểm đứng ngoài cuộc chơi.
Dòng tiền được lan tỏa rộng hơn giúp các cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng đầy mạnh mẽ và trở thành điểm nhấn đáng chú ý thu hút nhà đầu tư. Thị trường tiếp tục đi lên mạnh mẽ, VN-Index có lúc đã vượt thành công ngưỡng 1.500 điểm lên lập đỉnh mới trước khi tiếp tục điều chỉnh vào đầu tháng 12.
Nhịp tăng tịch cực trong phần còn lại của tháng 12 đã giúp VN-Index khép lại năm 2021 tại 1.498,28 điểm, tăng 35,73% so với đầu năm. HNX-Index thậm chí còn tăng mạnh đến 133,35% lên đỉnh mọi thời đại tại 473,99 điểm. Trong khi đó, UpCOM-Index cũng tăng trưởng ấn tượng 51,35% so với đầu năm và kết thúc phiên cuối cùng tại mức 112,68 điểm.
Quy mô vốn hóa tăng vọt
Sự bứt phá mạnh mẽ trong năm qua đẩy mức vốn hóa thị trường lên hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 14,1% với cuối năm 2020 với 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UpCOM.
Sự sôi động của thị trường đang giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn từ người dân và thị trường chứng khoán đang ngày càng khẳng định vai trò dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Huy động qua thị trường cổ phiếu năm qua ước đạt gần 80.000 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước và tương đương con số kỷ lục năm 2019. Trong đó, hoạt động phát hành cho cổ đông hiện hữu vào khoảng 46.000 tỷ đồng, gấp 4,5 lần năm 2019 và là mức lớn nhất từ trước tới nay.
Nhằm xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế, quy mô thị trường cổ phiếu phải đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025 và 110% GDP vào năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030.
Số lượng doanh nghiệp tỷ USD ngày càng nhiều
Thị trường thăng hoa cũng kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Tính đến hết năm 2021, toàn sàn chứng khoán có 61 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD (~23.000 tỷ đồng), tăng mạnh so với con số 38 thời điểm cuối năm 2020.
Trong số đó, HoSE đóng góp đến 47 đại diện trong đó 3 cái tên gồm Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC), và Vinhomes (VHM) có vốn hóa trên 10 tỷ USD. 17 cái tên mới xuất hiện bên cạnh toàn bộ 30 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD vào cuối năm 2020 vẫn giữ vững phong độ để tiếp tục nằm trong danh sách này.
HNX chỉ có 2 doanh nghiệp là Thaiholdings (THD) và KSFinance (KSF) góp mặt trong danh sách tỷ USD vốn hóa. Các cổ phiếu đang có vốn hóa tiệm cận tỷ USD như Idico (IDC), Vicostone (VCS), BAB,... được kỳ vọng sẽ sớm bứt phá để lọt danh sách này.
Trong khi đó, UpCOM có thêm 6 cái tên mới sau một năm qua đó đóng góp 12 đại diện gồm những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn như ACV, PGV, BSR, VEAM (VEA), Vinalines (MVN), Viettel Global (VGI),... bên cạnh khối tư nhân như Sunshine Homes (SSH), Masan Consumer (MCH), Masan Meat Life (MML), Masan Resoures (MSR), FPT Telecom (FOX), VEF,...
Số lượng tài khoản mở mới lập kỷ lục hơn tổng 4 năm trước cộng lại
Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ có đóng góp rất lớn đến từ làn sóng nhà đầu tư mới (F0) trong nước. Việc chứng khoán được xếp vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và được phép hoạt động trong thời gian giãn cách đã tạo hiệu ứng tích cực thu hút ngày càng đông đảo người dân tham gia đặc biệt là từ đầu năm
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy nhà đầu tư trong nước đã mở mới 220.817 tài khoản chứng khoán trong tháng 11, tăng gần 100.000 tài khoản so với tháng trước. Con số này là mức kỷ lục trong lịch sử 21 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam.
Trong số đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 220.602 tài khoản và là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.500 điểm trong tháng 11. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tổ chức cũng đã mở mới 215 tài khoản trong tháng.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã vượt 1,3 triệu tài khoản, cao hơn nhiều so với con số của 4 năm liên tiếp từ 2017-2020 cộng lại. Tính đến cuối tháng 11, tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 4 triệu đơn vị, tương khoảng 4% dân số.
Thanh khoản bùng nổ với nhiều phiên giao dịch tỷ USD
Sự tham gia ngày càng sâu rộng của các nhà đầu tư cá nhân đã giúp giao dịch trên thị trường chứng khoán sôi động hơn đáng kể. Từ mức thanh khoản “èo uột” chưa đến 10.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn mỗi phiên cách đây hơn 2 năm, giá trị giao dịch hiện đã tăng đột biến và thường xuyên duy trì trên dưới 30.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên lên đến hơn 56.000 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD).
Riêng trên HoSE, thanh khoản bình quân phiên trong năm 2021 đạt gần 22.000 tỷ đồng, gấp 3,5 lần con số trung bình mỗi phiên năm trước đó. Đặc biệt, trong tháng 11 khi VN-Index công phá đỉnh 1.500 điểm, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên còn đạt gần 33.000 tỷ đồng.
Theo số liệu từ các công ty chứng khoán vào cuối quý III/2021, số dư tiền gửi của khách hàng vào khoảng 92.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với quý trước, kỷ lục trong lịch sử. Do đó, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo có thể cao hơn nữa vì còn rất nhiều "tiền thịt" nằm trong tài khoản nhà đầu tư, chờ thời cơ để giải ngân.
Ngoài ra, dư nợ cho vay tại 60 công ty chứng khoán hàng đầu đạt gần 154.000 tỷ đồng tính đến cuối quý III/2021, cao kỷ lục trong vòng 21 năm thị trường chứng khoán Việt Nam. Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, nhiều người đã quyết định chuyển tiền tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán với kỳ vọng kiếm lợi nhuận cao hơn.
Khối ngoại bán ròng mạnh chưa từng có
Dòng tiền dồi dào của nhà đầu tư trong nước là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp thị trường chứng khoán vượt qua áp lực bán ròng lớn chưa từng có của khối ngoại. Từ đầu năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 60.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, gấp gần 4 lần cả năm 2020. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất năm nay lần lượt là HPG, VPB, VNM, VIC, CTG,... trong khi chiều ngược lại STB, VHM, MWG và FUEVFVND là những cái tên được gom khá tích cực.
Làn sóng bán ròng triền miên của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua có thể do lo ngại tình hình dịch COVID-19 khiến dòng vốn bị hút về các thị trường ít rủi ro hơn. Trong khi đó, định giá thị trường Việt Nam cũng không còn quá hấp dẫn và những thương vụ thoái vốn lớn cũng không còn rầm rộ thời gian gần đây.
Sang năm 2022, Nhà nước sẽ đẩy mạnh thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp cùng với kỳ vọng nâng hạng thị trường mới nổi và việc bao phủ tiêm chủng vaccine, chứng khoán Việt Nam được chờ đợi sẽ đón sự trở lại của nhà đầu tư ngoại sau giai đoạn bán ròng triền miên thời gian qua.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế dần phục hồi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Dòng tiền dồi dào từ các nhà đầu tư trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và vươn lên những đỉnh cao mới..