Ngày pháp luật

2021: Giá vàng thế giới liên tục "đảo chiều", tăng giảm bất thường theo tuyên bố của Fed

Giang Phạm

Giá vàng trong năm qua "trồi sụt" theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 và tuyên bố của Fed, có thời điểm vàng tăng lên mốc 1.958 USD/ounce nhưng có lúc lại lùi về dưới ngưỡng 1.700 USD/ounce.

Không thực sự thăng hoa và ghi những điểm mốc kỷ lục lịch sử như năm 2020, giá vàng thế giới năm 2021 có những phiên tăng giảm đan xen trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Trong năm qua, giá vàng thế giới đã có 3 đợt sóng vào đầu tháng 1, đầu tháng 6 và trung tuần tháng 11.

Mở đầu khởi sắc, vàng tăng nhanh nhưng cũng giảm sốc 

Tiếp đà rực rỡ của năm trước, giá vàng thế giới mở đầu năm 2021 tại vạch xuất phát ở vùng giá 1.920 USD/ounce. Giá vàng khởi sắc khi đồng USD tiếp tục trượt dốc, suy yếu về mức thấp nhất trong 2,5 năm qua.

Cùng với đó, những lo ngại về biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao được phát hiện, thông tin lợi suất trái phiếu thực ở Mỹ giảm càng khiến giới đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ở thị trường vàng. Kết quả là, giá kim loại quý tăng vọt, lập đỉnh ở mức 1.958 USD/ounce ngay trong những phiên giao dịch đầu năm. 

Tăng nhanh nhưng giảm sốc là cụm từ mô tả diễn biến giá vàng trong năm qua.
Tăng nhanh nhưng giảm sốc là cụm từ mô tả diễn biến giá vàng trong năm qua.

Những tưởng vàng tiếp đà vọt tăng chinh phục nhiều mốc giá mới, nhưng ngay sau khi tăng tổng cộng hơn 50 USD/ounce ở hai phiên giao dịch, đến ngày 7/1/2021, vàng đảo chiều lao dốc.

Giá kim loại quý "bốc hơi" 32 USD ngay trong phiên khi một số nhà đầu tư bán kim loại quý nhằm thu về lợi nhuận mở đầu cho chuỗi ngày dài trượt dốc của giá vàng.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trên 1% lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, đồng bạc xanh ổn định trở lại là những yếu tố khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.

Đà lao dốc của vàng chưa dừng lại khi liên tiếp các đợt bán tháo vàng để chốt lời diễn ra, đẩy vàng lùi sâu xuống dưới ngưỡng 1.720 USD/ounce vào tháng 3, 4/2021.

Không dừng lại ở đó, số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới càng giáng đòn mạnh lên đà phục hồi của nhiều nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ. Trước bối cảnh như vậy, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cam kết tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, điều này khiến đồng USD mạnh lên, qua đó chặn đứng đà tăng của giá vàng. 

Phải đến trung tuần tháng 5, khi giá đồng Bitcoin bắt đầu lao dốc, về sát ngưỡng 30.000 USD cùng tuyên bố cấm sử dụng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc, giá vàng mới dần "hồi tỉnh". 

Lấy lại mốc 1.900 USD/ounce không bao lâu, giá vàng biến động theo tuyên bố của Fed

Chinh phục lại được ngưỡng 1.900 USD/ounce vào đầu tháng 6, những tưởng kim loại quý sẽ "thừa thắng xông lên", nhưng một lần nữa, giá vàng lại đổ đèo trước những bình luận của giới chức Fed về khả năng tăng lãi suất vào năm 2023 cũng như bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu. 

Trước động thái Fed sẽ điều chỉnh lãi suất và chưa nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong ngắn hạn, giá vàng thế giới một lần nữa đảo chiều tăng trở lại.
Trước động thái Fed sẽ điều chỉnh lãi suất và chưa nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong ngắn hạn, giá vàng thế giới một lần nữa đảo chiều tăng trở lại.

Sau khi thông tin này đưa ra, giá vàng thế giới lùi về ngưỡng 1.763 USD/ounce vào giữa tháng 6. Kim loại quý có thêm vài lần biến động trong khoảng thời gian từ tháng 7 - tháng 10 nhưng với biên độ dao động không lớn, loanh quanh ở ngưỡng 1.750 - 1.800 USD/ounce. 

Trước động thái Fed sẽ điều chỉnh lãi suất và chưa nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong ngắn hạn, giá vàng thế giới một lần nữa đảo chiều tăng trở lại, vượt mốc 1.800 USD/ounce vào ngày 17/11/2021.

Nhưng chỉ 1 tuần sau, lo ngại về biến thể mới ở Nam Phi và hoạt động kinh tế toàn cầu bị hạn chế khi nhiều nước áp dụng biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 khiến giá vàng lao dốc về ngưỡng 1.770 USD/ounce.

Nếu so với mốc 1.958 USD/ounce hồi đầu năm, giá vàng thế giới đã giảm 8,3% và mất hơn 4% thị giá chỉ sau một tuần. Ở thời điểm những ngày cuối năm, giá vàng đã tăng nhẹ trở lại về mốc cản quan trọng 1.800 USD/ounce.

Bỏ qua những cú tăng vọt, giảm sốc của vàng thế giới, thị trường vàng trong nước vẫn giữ xu hướng tăng.

Giá vàng miếng SJC từng đạt đỉnh ở mốc 62 triệu đồng/lượng hồi tháng 8/2020, sau đó lùi về mốc 55 - 57 triệu đồng/lượng và duy trì ngưỡng này gần như cả năm 2021. Phải đến giữa tháng 11, vàng miếng SJC tăng trở lại và neo ở quanh vùng giá 60 triệu đồng/lượng cho đến bây giờ.

Giá vàng năm 2022 sẽ tăng mạnh, mục tiêu sẽ là 2.000 USD/ounce

Đây là nhận định được đưa ra bởi đồng giám đốc của Walsh Trading - Sean Lusk. Ông cho rằng, xu hướng của vàng sẽ gia tăng vào năm sau. Biến thể Covid-19 mới có thể khiến Fed tạm ngưng chiến dịch điều chỉnh tăng lãi suất. Từ đó, một xu hướng tăng giá mới sẽ hình thành và chinh phục nhiều mốc giá cao hơn.  

Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang củng cố để chuẩn bị cho một đợt tăng giá mới. "Ngưỡng cản tiếp theo được đưa ra là 1.850 USD và sau đó là 1.875 USD. Nếu vàng giữ được ở mốc 1.850 USD, cơ hội vàng vọt lên 2.000 USD/ounce là có thể", ông cho biết.

Cùng lúc đó, ông Frank Cholly của RJO Futures cho biết, lạm phát là một trong những động lực vĩ mô và giúp đẩy giá lên cao hơn vào năm sau.

Ông dự đoán sẽ có một thời điểm, vàng bắt đầu tăng giá từ tâm lý thị trường cho rằng lạm phát đang tăng lên. "Khi bước sang quý I/2022, chúng ta sẽ thấy áp lực giá tiếp tục tăng. Và khi vàng tăng trên 1.850 USD, nó có thể thoát khỏi vùng kháng cự", ông lưu ý.

Theo Cholly, phản ứng ban đầu đối với việc Fed thiết lập lãi suất cao hơn có thể là tiêu cực đối với vàng. Nhưng một khi tâm lý này được khắc phục, thị trường có thể kích hoạt một đợt phục hồi mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục