Các bị cáo gồm: Lê Công Chí (ngụ phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), thuyền trưởng tàu Thảo Vân 2 bị truy tố tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy"; Võ Quốc Hùng (SN 1972, ngụ phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, chủ tàu Thảo Vân 2) và Nguyễn Ngọc Quân (ngụ 126 Trần Phú, quận Hải Châu), người trực tiếp bán vé, hướng dẫn và giới thiệu khách lên tàu Thảo Vân 2 bị truy tố tội "Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn"; Lê Sáu (ngụ phường Thanh Bình, quận Hải Châu), nguyên Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng bị truy tố vì tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong ngày làm việc đầu tiên, Tòa đọc cáo trạng và xét hỏi 3 bị báo Chí, Hùng và Quân.
Sau khi thông qua tội danh bị truy tố, trước HĐXX, các bị cáo Lê Công Chí và Võ Quốc Hùng chỉ thừa nhận một phần tội danh đã nêu; bị cáo Nguyễn Ngọc Quân và Lê Sáu phủ nhận hoàn toàn cáo trạng của VKS.
Theo bị báo Lê Công Chí, do số người trên mui tàu quá đông lại đổ xô chụp hình, còn dưới khoang chỉ có 4 người dẫn đến việc mất thăng bằng và lật úp. Chí thừa nhận từng bị xử phạt hành chính vì "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy". Đối với vấn đề kiểm soát người lên tàu, Chí khai, trước khi tàu Thảo Vân 2 chạy, Trí đếm được 28 hành khách và báo với quản lý tàu: “Đủ người rồi, đừng bắt thêm khách nữa”.
Thế nhưng, theo bị báo Chí, việc xuất bến thuộc quản lý của Quân.
Khi Tòa đặt câu hỏi Chí biết tàu Thảo Vân 2 liên tục vi phạm pháp luật nhưng tại sao vẫn nhận lời lái, Chí cho biết, đã nhiều lần nhắc Hùng làm các thủ tục với cơ quan chức năng, nhưng “Hùng không nghe và dặn mình làm theo lời Hùng, có gì anh Hùng sẽ chịu trách nhiệm”.
Chí nhắc đi nhắc lại, mình chỉ làm thuê 2,5 triệu đồng/tháng. Tàu đông khách hay không, mức lương đó vẫn cố định. Đặc biệt, khi anh Hùng (bị cáo Hùng) yêu cầu gì, Chí phải làm theo.
Trong khi đó, bị cáo Hùng khi được xét hỏi lại bác lại toàn bộ lời khai của Chí. Hùng luôn miệng cho rằng, thời gian trên, Hùng bị đau phải nằm viện nên không hay biết gì và giao toàn bộ quá trình in vé, thu tiền cho Quân. Riêng kiểm soát người lên tàu, Hùng giao cho Chí toàn quyền quyết định.
“Tôi thuê Chí lái tàu và trong các cam kết, Chí phải chịu trách nhiệm về việc này. Chí để nhiều người lên tàu mới dẫn đến các sự cố lật tàu”, bị cáo Hùng nói.
Hùng khai thêm, từ khi xảy ra sự cố cho đến nay, người thân của Hùng có về quê của các nạn nhân thăm viếng. Tuy nhiên, quá trình đền bù tổn thất tình thần, khắc phục hậu quả vẫn chưa thực hiện.
Trả lời phần xét hỏi tại tòa, bị cáo Quân khai bản thân không có bằng cấp gì, chỉ giữ vai trò nhân viên bán vé, bán trà nước cho khách. Khi Hùng đau, Quân thay Hùng thu tiền bán vé và đi in vé “theo lời anh Hùng”. Số tiền này, Quân giao lại cho chị gái (vợ Hùng-PV) giữ. Quân từng khai với CQĐT là quản lý con tàu, tại phiên tòa, Quân cho rằng “do sợ quá nên khai bậy và bản thân chỉ làm theo, không biết gì”.
Quân cũng thừa nhận, bị cáo Hùng khai không đúng, Hùng đổi lỗi cho Quân và Chí tại phiên tòa là sai. Trong ngày 4/4, phiên tòa tiếp tục xét hỏi đối với bị cáo Lê Sáu.
Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục đưa tin về diễn biến của phiên tòa!
Tàu Thảo Vân 2 được hoán cải từ tàu cá, chỉ được phép vẫn chuyển 28 người. Tàu không có giấy phép hoạt động, không được cấp lệnh xuất bến. Năm 2014, Thảo Vân 2 đã từng bị lật trên Sông Hàn nhưng may mắn không xảy ra thương vong.
Tối 4/6/2016, Võ Ngọc Quân theo lời Hùng tổ chức bán vé đưa khách tham quan sông Hàn theo hành trình xuất phát từ cầu Cảng sông Hàn. Lê Công Chí lái tàu. Đến khoảng 20h30 cùng ngày, tàu ĐNa-0016 chở 56 hành khách từ cầu Thuận Phước và hướng về cầu Rồng, đến vị trí cách bờ sông đường Bạch Đằng 200 mét, bất ngờ tàu chao đảo, nghiêng hẳn về bên trái rồi lật úp. Vụ việc khiến 3 nạn nhân gồm: Phạm Tấn Cương (SN 1970, ngụ TP.Quy Nhơn, Bình Đinh), 2 chị em ruột Trịnh Kim Phượng (SN 2009), Trịnh Huy Hoàng (SN 2011, ngụ tại TP.Bắc Cạn, tỉnh Bắc Cạn) tử vong.