WTO cho biết, năm nay, thương mại toàn cầu sẽ giảm từ 13% đến 32%. Khoảng dao động này ở một phạm vi rất rộng vì đến nay những tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng này là không chắc chắn. Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, thương mại giảm 12,5%.
“Những con số này thật sự nghiêm trọng nhưng không có giải pháp nào khác”, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhận định.
"So sánh với cuộc khủng hoảng tài chính, thậm chí là cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không giống như hai cuộc khủng hoảng đó, các ngân hàng không thiếu vốn và động cơ kinh tế hiện nay vẫn đang ở trong tình trạng tốt", Roberto Azevedo cho biết thêm.
“Đại dịch đã cắt dòng nhiên liệu cho động cơ hoạt động. Nếu đường nhiên liệu được kết nối lại đúng cách, sự phục hồi có thể diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ”, Roberto Azevedo khẳng định.
Các quốc gia cùng hợp tác với nhau sẽ thấy sự phục hồi nhanh hơn so với việc mỗi quốc gia hành động riêng rẽ, trong khi chính sách tiền tệ và thương mại đều cần phải đi theo một hướng nhất định. Việc chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ sẽ tạo ra những cú sốc mới cho nền kinh tế, ông nói.
Tình hình căng thẳng thương mại, đáng chú ý giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm 0,1% trong thương mại hàng hóa toàn cầu năm ngoái.
WTO dự báo đến năm 2021 sẽ có sự phục hồi trong thương mại hàng hóa toàn cầu, tăng từ 21% đến 24%, tùy thuộc phần lớn vào thời gian dịch bệnh bùng phát và mức độ hiệu quả của các chính sách đối phó.
Năm nay, gần như tất cả các khu vực đều sẽ chịu sự suy giảm tỷ lệ phần trăm hai chữ số trong thương mại, với xuất khẩu từ Bắc Mỹ và Châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các ngành có chuỗi giá trị phức tạp, chẳng hạn như các sản phẩm điện tử và ô tô, cũng sẽ sụt giảm mạnh hơn so với năm trước.