Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), sau hơn một năm trải qua đại dịch Covid-19, sự phục hồi tại các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương không đồng đều.
Nếu như Trung Quốc và Việt Nam chứng kiến phục hồi theo hình chữ V với sản lượng đã vượt mức trước đại dịch, thì các nền kinh tế còn lại duy trì mức tăng trưởng bình quân thấp hơn 5% so với giai đoạn trước đại dịch.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 dự báo đạt 6,1%, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Indonesia có thể đạt 4,5% sau khi giảm 2,1% trong năm 2020, còn Malaysia và Philippines lần lượt là 6% và 5,5%. Riêng Thái Lan chỉ có thể chạm mốc 3,4% do trở ngại hồi phục trong ngành du lịch vẫn còn hiện hữu.
Dù điểm sáng chung của toàn khu vực trong suốt năm 2020 là không tăng tỷ lệ nghèo, nhưng Covid-19 cũng khiến nỗ lực đưa 32 triệu người thoát nghèo không thành (mức chuẩn nghèo là 5,5 USD/ngày).
"Cú sốc kinh tế do dịch Covid-19 đã chặn đứng cơ hội thoát nghèo của người dân và làm gia tăng bất bình đẳng", Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của WB nhận định.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu công bằng trong cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội và công nghệ số cũng gia tăng. Tại một số quốc gia, cơ hội đi học của trẻ em ở các hộ gia đình thuộc nhóm 40% dân số nghèo nhất thấp hơn 20% so với trẻ ở hộ gia đình có thu nhập cao, bên cạnh thực trạng bạo lực gia đình gia tăng nhanh chóng.