Theo báo cáo tổng kết công tác tài chính – Ngân sách Nhà nước năm 2020 của Bộ Tài chính, thu ngân sách đạt 98% dự toán, tăng 184.000 tỷ đồng so với đánh giá tại Quốc hội tháng 10/2020. Tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5%, trong khi thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% xuống còn 14,2%, cho thấy cơ cấu thu ngân sách ngày càng bền vững hơn.
Về giải ngân vốn đầu tư, ước tính đến ngày 31/12/2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch); phấn đấu đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31/1/2021) đạt 92-93% dự toán. Khoảng 26.000 tỷ đồng vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển không thực hiện được, phải hủy dự toán.
Trong năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 31/12/2020, Chính phủ và các Bộ ngành đã gia hạn hoặc miễn, giảm khoảng 123.600 tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí.
Ngân sách Nhà nước cũng đã đã chi trên 18.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch; sử dụng khoảng 12.400 tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.
Bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2020 ước khoảng 248.500 tỷ đồng, tức dưới 4% GDP. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi bình quân khoảng 3,6% GDP. Dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, đều trong phạm vi giới hạn cho phép.
Hãng S&P đã tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng ổn định. Moody’s cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam. Tháng 4/2020, Fitch đã quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định.