Ngày pháp luật

World Bank: Việt Nam có cơ hội đạt mức tăng trưởng kinh tế cao thứ 5 trên thế giới

Giang Phạm

Đại diện của World Bank đánh giá Việt Nam có tâm thế tốt để chống chọi lại dịch Covid-19 và có thể đạt mức tăng GDP 2,8% năm 2020.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã công bố báo cáo điểm lại với tiêu đề "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao". Theo WB, Việt Nam cũng giống như bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khi chúng ta chưa có vaccine. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam là khá lớn.

Tăng trưởng kinh tế giảm từ gần 7% năm ngoái xuống còn 0,36% trong quý II. Đây là cú sốc kinh tế lớn nhất với Việt Nam trong 35 năm qua. Cùng với đó, tổ chức này cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,8% trong năm 2020 và 6,7% trong 2021 nếu tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi. 

Kết quả dự báo này cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. Tuy nhiên, những dự báo trên còn chịu nhiều bất định và có khả năng đòi hỏi Chính phủ phải chuyển đổi cách thức triển khai gói kích thích tài khóa quy mô lớn để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình phục hồi kinh tế.

Ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng WB tại Việt Nam.
Ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng WB tại Việt Nam.

Cũng cần khẳng định rằng, để có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước Covid-19 rất mất thời gian, thế nên WB cho rằng Chính phủ nên tìm nhiều cách để kích thích kinh tế trong vài tháng tới sao cho không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ về lâu dài.

Ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho hay, bên cạnh việc tập trung vào đầu tư công, Chính phủ cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đến các cá nhân, doanh nghiệp không giống nhau, có ngành hoạt động tốt, nhưng có ngành lại "kiệt quệ". Do đó, WB kiến nghị không nên hỗ trợ doanh nghiệp một cách “cào bằng”, đặc biệt với các ngành là động lực tăng trưởng cho Việt Nam sau khi hết dịch.

3 nhóm ngành được ghi nhận dễ bị tổn thương nhất trong giai đoạn này dưới đánh giá của WB gồm du lịch, vận tải và chế tạo, chế biến xuất khẩu. "Mặc dù vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó nhưng du lịch nội địa đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, hiện nay Đà Nẵng phải đối mặt với làn sóng bùng dịch nên tương lai của ngành du lịch đang rất mong manh, nhiều lao động trong nhóm ngành này đã mất việc làm", ông Jacques chia sẻ.

Với ngành vận tải, ảnh hưởng tiêu cực phân bổ không đồng đều. Vận tải hàng hoá trước đó có chút sụt giảm nhưng hiện tại lại tăng trưởng nhanh. Ngoại trừ thời điểm cách ly, vận tải hành khách trong nước cũng đang có những dấu hiệu khả quan hơn. Đến hiện tại, vận tải trong nước đã trở lại bình thường, trong khi vận tải hành khách quốc tế tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề.

Với ngành chế tạo, chế biến xuất khẩu, đánh giá chung là có khả năng chống chọi tốt trong thời điểm khủng hoảng, nhưng gặp tác động tồi tệ với riêng da giày và may mặc. 

Ngành vận tải hàng hóa hiện đang có sự tăng trưởng nhanh.
Ngành vận tải hàng hóa hiện đang có sự tăng trưởng nhanh.

Đề cập đến kinh tế toàn cầu đã có những thay đổi lớn trong vài năm vừa qua, ông Jacques chia sẻ, Trung Quốc là thị trường tập trung nhiều hoạt động kinh tế nhất và rất hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện các doanh nghiệp đều cố gắng đa dạng hóa và chính phủ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ đang hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này. 

"Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang làm rất tốt trong cuộc chiến dịch Covid-19. Việt Nam lại gần Trung Quốc cho nên việc chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam dễ hơn nhiều so với việc chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác như Mexico chẳng hạn", ông Jacques nhận định.

Bên cạnh đó, nhà kinh tế trưởng WB cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn bởi Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư từ trước đó. Tuy nhiên, hiện có tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhưng không dùng các nhiên liệu, các vật liệu đầu vào của Việt Nam bởi chưa đủ đáp ứng nhu cầu cũng như đảm bảo chất lượng cho các doanh nghiệp này. Vậy nên, song song với việc thu hút nhà đầu tư, Việt Nam cần phải đảm bảo các nhà đầu tư đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn nữa.

Tin Cùng Chuyên Mục