Theo đó, kết thúc năm tài chính 2024, Wincommerce ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5,7 tỷ đồng. Kết quả này đánh dấu sự đảo chiều tích cực so với khoản lỗ ròng hơn 599,4 tỷ đồng của năm 2023. Nhờ có lãi trở lại, khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp đã giảm xuống còn hơn 3.947 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024.
Về cơ cấu nguồn vốn, tại ngày 31/12/2024, vốn chủ sở hữu của Wincommerce đạt gần 4.369 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2023. Trong cơ cấu vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư của chủ sở hữu được ghi nhận ở mức gần 8.321 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của công ty tại cùng thời điểm là 13.823 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay từ các tổ chức tín dụng (nợ vay ngân hàng) là 5.223 tỷ đồng và dư nợ trái phiếu còn lại là 3.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn của Wincommerce vào cuối năm 2024 đạt khoảng 18.192 tỷ đồng.
Liên quan đến hoạt động huy động vốn qua kênh trái phiếu, Wincommerce hiện có 31 lô trái phiếu đang lưu hành. Công ty cho biết đã thực hiện thanh toán đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ gốc, lãi đối với các lô trái phiếu đến hạn trong năm 2024.
Trước đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh được công bố bởi công ty mẹ là Tập đoàn Masan, hệ thống WinCommerce (bao gồm WinMart và WinMart+) đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 32.961 tỷ đồng trong năm 2024, tăng trưởng gần 10% so với năm 2023.
Sự tăng trưởng doanh thu này được thúc đẩy bởi hiệu quả hoạt động của các mô hình cửa hàng mới được ra mắt và nhân rộng, bao gồm mô hình WIN phục vụ khu vực thành thị và WinMart+ Rural hướng đến khu vực nông thôn, cùng với nỗ lực tối ưu hóa vận hành.
Cụ thể hơn, chuỗi siêu thị WinMart đạt doanh thu 9.248 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng và hiệu quả vận hành được cải thiện. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi/minimart WinMart+ ghi nhận doanh thu thuần 23.185 tỷ đồng, tăng trưởng 13%, chủ yếu nhờ việc mở rộng mạng lưới và hiệu quả từ các cửa hàng mới.
Tính đến cuối tháng 12/2024, WinCommerce đang vận hành tổng cộng 3.828 điểm bán trên toàn quốc, tăng 95 cửa hàng so với cuối quý 3/2024.