Ngày pháp luật

Vui buồn nghề “thầy cãi”…!

Đoan Trang – Trần Thanh

Hết đợt dịch này đến đợt dịch khác bùng phát khiến chúng ta không khỏi lo lắng, quan ngại… Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là các doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Chia sẻ những nỗi buồn, sự lo lắng của đội ngũ này là trở trăn, băn khoăn của các “thầy cãi”. Và những câu chuyện, tình huống sau đây phần nào thể hiện nỗi lòng mà các luật sư (LS) luôn canh cánh…

Vui buồn nghề “thầy cãi”…!  - Ảnh 1

Luật sư Hà Đăng Luyện (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh):

"Năm 2021 là năm có nhiều thách thức đối với chúng ta nhất là các DN, doanh nhân và người lao động. Nền kinh tế toàn cầu chao đảo vì đại dịch Covid-19. Công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp mất việc làm; Người lao động (NLĐ) trong các DN không thể đi làm do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền… Từ những khó khăn, thách thức đó dẫn đến những mâu thuân giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Có những sự việc vì sự chủ quan của những người có thẩm quyền trong các DN, cũng có những sự việc mâu thuẫn do khách quan đem lại.

“Hãy xem xét và luôn cân nhắc chấp nhận “thiệt thòi về phía mình” để có thể giải quyết sự việc một cách tốt nhất và chấp nhận được. Đừng để rơi vào tính huống nêu trên…”…           (Luật sư Hà Đăng Luyện)
“Hãy xem xét và luôn cân nhắc chấp nhận “thiệt thòi về phía mình” để có thể giải quyết sự việc một cách tốt nhất và chấp nhận được. Đừng để rơi vào tính huống nêu trên…”…           (Luật sư Hà Đăng Luyện)

Quá trình hành nghề trong năm qua có một kỷ niệm mà đến giờ trong lòng tôi vẫn cứ day dứt, bởi nó xảy ra trong giai đoạn mà tất cả chúng ta luôn hướng sự chia sẻ những khó khăn đến với bất cứ ai, với bất kể lý do gì. Nhưng sự việc khi xảy ra tranh chấp chúng ta lại không thể xử lý theo cảm tính mà phải dựa vào các quy định của pháp luật để giải quyết.

Vào giai đoạn đầu căng thẳng của đại dịch Covid-19, tôi nhận được lời đề nghị trợ giúp giải quyết một vụ việc liên quan đến tranh chấp lao động cũng khá “phức tạp”… Vụ việc đã được xét xử sơ thẩm với phần thắng nghiêng về phía NLĐ và bản án bị kháng cáo…

Theo đó, bản án sơ thẩm đã tuyên NLĐ “thắng” tuyệt đối với tất cả các yêu cầu tại cấp sơ thẩm với mức bồi thường bằng cả một năm lao động… với lý do NSDLĐ đã vi phạm pháp luật về lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật… Sự việc cũng giống như tất cả các vụ án tranh chấp về quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ thường hay xảy ra khi DN thực hiện không đúng các quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, sau khi nhận hồ sơ và bản án sơ thẩm, nghiên cứu hồ sơ, LS nhận thấy phiên toà cấp sơ thẩm đã xét xử không đúng với thực tế hồ sơ DN có. DN đã đúng khi giải quyết cho NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn do NLĐ có đơn xin nghỉ việc nhưng tòa án đã không xem xét.  

LS đã gặp trực tiếp và trao đổi với NLĐ, động viên NLĐ nhận một số tiền nhất định, coi như đây là một khoản bù đắp cho những tháng ngày theo đuổi vụ kiện. Bên cạnh đó cũng coi như khoản tiền chia sẻ một phần nào với NLĐ do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, DN cũng bớt đi một khoản tiền phải trả cho LS trong lúc tình hình tài chính gặp nhiều thách thức. Vậy nhưng NLĐ đã không đồng ý bởi họ nghĩ rằng, bản án sơ thẩm đã tuyên thì buộc NSDLĐ phải trả tiền. Trước tình thế này, LS đã kiên trì đề nghị Hội đồng xét xử cho thêm cơ hội thỏa thuận với NLĐ với mong muốn NLĐ sẽ nhận được một phần hỗ trợ từ DN để giải quyết phần nào khó khăn do dịch bệnh gây ra trước khi Hội đồng xét xử tuyên bố bước vào giai đoạn tranh luận.

Trong lòng ngổn ngang những suy nghĩ, nếu bỏ qua tất cả thì NLĐ sẽ được hưởng một khoản tiền không nhỏ để giải quyết khó khăn. Còn nói ra tất cả thì DN có lợi khi không phải bỏ ra một khoản tiền bồi thường cho NLĐ trong khi DN cũng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nhưng đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi làm điều đó và tôi đã trình bày bản ý kiến tranh luận của mình trước tòa… Và cái “Đơn xin thôi việc” được đem ra phân tích và viện dẫn… Để rồi, kết thúc phần tranh luận vào nghị án, Hội đồng xét xử đã chấp nhận toàn bộ phần kháng cáo của DN, buộc DN chỉ phải trả những khoản mà DN chưa trả cho những ngày NLĐ làm việc. 

Sau vụ việc này, tôi tự rút ra cho mình một bài học sâu sắc, đó là: Trong mọi tình huống dù bạn viện dẫn, đánh giá, phân tích rất nhiều khía cạnh của sự việc nhưng chỉ cần một chi tiết nhỏ bạn quên hay không để ý đến, hay có mà coi nhẹ là bạn đã “thua” hoặc “thắng” cả một sự việc. Ở đây, dù các bạn có lý giải cho cái “Đơn xin nghỉ việc” ở nhiều góc độ và cho rằng đó là sự không tự nguyện của NLĐ nhưng đó là căn cứ thể hiện ý chí của bạn được thể hiện bằng văn bản. Nếu NLĐ chấp nhận thỏa hiệp thì chắc hẳn đã không phải về “tay trắng” trong vụ tranh chấp lao động nói trên.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành và diễn biến phức tạp như hiện nay, việc DN phải giải quyết cho NLĐ nghỉ việc là việc bất đắc dĩ phải làm. Cho dù chưa thực sự giải quyết thỏa đáng với các yêu cầu của NLĐ do DN khó khăn về tài chính thì NLĐ cũng nên cân nhắc cái được cái mất trong quá trình giải quyết tranh chấp. Hãy xem xét và luôn cân nhắc chấp nhận “thiệt thòi về phía mình” để có thể giải quyết sự việc một cách tốt nhất và chấp nhận được, đừng để rơi vào tính huống nêu trên… Còn đối với tôi, đây là một câu chuyện buồn của nghề luật sư...!”

Luật sư Nguyễn Đại Hải -  Công ty Luật Fanci (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội)

“Năm 2021 là một năm rất nhiều sự kiện đã xảy ra, đặc biệt nhất là việc cả đất nước chúng ta phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, nền kinh tế đi xuống. Tuy nhiên đời sống xã hội vẫn cứ tiếp diễn và các vấn đề pháp lý vẫn diễn ra, các luật sư chúng tôi vẫn hành nghề trên con đường bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức mà Nhà nước đã giao phó trách nhiệm.

“Vụ việc vẫn chưa có hồi kết, một năm cũ cũng dần khép lại và trong tôi luôn thường trực cảm giác man mác buồn khi phải chứng kiến trong thời buổi dịch bệnh khó khăn mà nhiều doanh nghiệp phải gặp những rủi ro trong công việc và đáng buồn hơn là những khó khăn đó không được chia sẻ, không được các bên nhìn nhận một cách đúng đắn…”…             (Luật sư Nguyễn Đại Hải)
“Vụ việc vẫn chưa có hồi kết, một năm cũ cũng dần khép lại và trong tôi luôn thường trực cảm giác man mác buồn khi phải chứng kiến trong thời buổi dịch bệnh khó khăn mà nhiều doanh nghiệp phải gặp những rủi ro trong công việc và đáng buồn hơn là những khó khăn đó không được chia sẻ, không được các bên nhìn nhận một cách đúng đắn…”…             (Luật sư Nguyễn Đại Hải)

Trong năm 2021, bản thân tôi trực tiếp giải quyết một vụ án “Kinh doanh thương mại” mà trong vụ án này người đi kiện và người bị kiện đều là những người bị thiệt hại. Tôi là luật sư bảo vệ cho bị đơn và tham gia giải quyết vụ án kể từ khi phát sinh tranh chấp. Bị đơn là một doanh nghiệp kinh doanh ô tô, xe máy. Năm 2021, bị đơn được Nhà nước chấp thuận dự án xây dựng cơ sở để kinh doanh với quy mô công trình có diện tích khoảng 2.000m2. Quá trình xây dựng bị đơn có thuê và ký hợp đồng với nguyên đơn để thực hiện công việc “dựng giàn giáo cốp pha, cốt thép cho công trình”. Khi đội công nhân phía nguyên đơn thi công đến tầng cuối cùng thì một phần diện tích đã đổ sàn bị sập gây thiệt hại lớn cho bị đơn. Bị đơn xác định lỗi đến từ nguyên đơn, do nguyên đơn lắp đặt thiết bị sai kỹ thuật, bộ giàn giáo chống không đủ khả năng chịu lực dẫn đến bị sập một phần công trình. Việc thanh toán tiền công bị dừng lại và từ đó phát sinh tranh chấp.

Khi bị dừng thanh toán tiền hợp đồng thì nguyên đơn sử dụng một số biện pháp nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bị đơn như rải tờ rơi, cho công nhân đứng biểu tình…, nhưng các lần như vậy đều bị chính quyền địa phương nhắc nhở và xử phạt hành chính. Sau những lần vi phạm, cuối cùng nguyên đơn đành phải khởi kiện ra Tòa án để giải quyết. Thời điểm đó là thời điểm vô cùng khó khăn với nguyên đơn, vừa chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vừa phải vướng vào vụ án tranh chấp mà tiền hợp đồng bị dừng không được thanh toán, nên những hành xử như vậy thì cũng là bước đường cùng không ai mong muốn. Bản thân tôi cũng rất chia sẻ với nguyên đơn và cũng tư vấn bị đơn nên thông cảm, bỏ qua sự việc, để Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo đúng pháp luật và mang tính nhân văn.

Trong quá trình giải quyết ở Tòa án, nguyên đơn đã đưa ra một con số yêu cầu thanh toán theo hợp đồng, thanh toán tiền lãi chậm trả tất cả lên đến hàng tỷ đồng và bị đơn cũng đưa ra một con số thiệt hại do sập công trình cũng xấp xỉ khoản tiền mà nguyên đơn đưa ra. Sau đó bị đơn cũng đã có đơn phản tố đòi nguyên đơn thanh toán các chi phí thiệt hại.

Từ khi tiếp nhận vụ án cho đến khi giải quyết tại Tòa án tôi luôn đồng cảm với hoàn cảnh của các bên. Từ phía nguyên đơn là người chủ công ty bỏ chi phí thuê nhân công để thực hiện công trình, việc thanh toán trước đó chỉ tạm ứng và khi hoàn thiện mới được thanh toán nốt, nên khi xảy ra sự cố thì tiền nhân công bị dừng thanh toán. Khoản tiền này là tiền công sức của anh em công nhân, hàng ngày họ vẫn phải sinh hoạt, vẫn cần tiền để nuôi gia đình nên khi bị dừng thanh toán thì gặp rất nhiều khó khăn. Phía bị đơn cũng vậy, bản thân bị đơn bị thiệt hại, chi phí cũng rất lớn và trong khoản thời gian dịch bệnh các thiệt hại này càng thêm phần khó khăn cho doanh nghiệp.

Khi làm việc trực tiếp với các bên tại Tòa án, bản thân LS luôn tư vấn trên tinh thần thiện chí hòa giải, cũng giải thích rằng trong sự việc này cả hai bên đều thiệt hại, sự việc “sập công trình” không ai muốn cả. Cả hai bên cùng suy nghĩ, cùng chịu thiệt một phần để các bên thống nhất được phương án giải quyết, bởi nếu các bên cứ tranh chấp, cứ để Tòa án giải quyết đến cùng và dù có tuyên một bên thắng, một bên thua thì cả hai đều thiệt hại. Thiệt hại ở đây có thể là thời gian, có thể là công sức theo kiện, các khoản phí Nhà nước… mà yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố đôi khi cũng không được chấp thuận theo ý của mình.

Sau các buổi làm việc Tòa án cũng dành một khoảng thời gian cho hai bên cùng về suy nghĩ và thương lượng. Nếu không hòa giải được thì bắt buộc Tòa án sẽ quyết định bằng một bản án. Trong quá trình giải quyết Tòa án sẽ xem xét lỗi của các bên mà ra phán quyết, tuy nhiên tôi cho rằng dù phán quyết thế nào đi chăng nữa thì người thiệt hại vẫn đến từ hai phía trong vụ án này…

Vụ việc vẫn chưa có hồi kết, một năm cũ dần khép lại và trong tôi luôn thường trực cảm giác man mác buồn khi phải chứng kiến trong thời buổi dịch bệnh khó khăn mà nhiều doanh nghiệp còn phải gặp những rủi ro trong công việc và đáng buồn hơn là những khó khăn đó không được chia sẻ, không được các bên nhìn nhận một cách đúng đắn mà “cố đấm ăn xôi”, dù không biết kết quả sau này sẽ ra sao…”.

Tin Cùng Chuyên Mục