Ngày pháp luật

Vừa lên sàn, cổ phiếu Vạn Đạt Group tăng gấp 3, ẩn số phía sau là gì?

Trung Hiếu

Cổ phiểu VDG của Vạn Đạt Group, chỉ vừa mới lên sàn UPCoM vào ngày 26/9, đã tăng trần liên tiếp, đưa thị giá cổ phiếu tăng gấp 3 lần.

Ngày 26/9, 5 triệu cổ phiếu VDG chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán với giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu
Ngày 26/9, 5 triệu cổ phiếu VDG chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán với giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu

Cổ phiếu tăng liên tục

Công ty cổ phần Vạn Đạt Group (mã ck: VDG) vừa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 26/9 vừa qua với mức giá tham chiếu 11.000 đồng/cp.

Với 6 phiên tăng trần (15%) và 1 phiên tăng gần hết biên độ (14,38%), cổ phiếu này đã nhanh chóng chạm mốc 35.000 đồng/cp (tính đến 4/10), gấp 3,2 lần sau 7 phiên giao dịch.

Đại diện công ty cho biết, việc cổ phiếu liên tiếp tăng trần nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Ban giám đốc nhận định công ty vẫn đang sản xuất, kinh doanh bình thường, không nhận thấy bất kỳ yếu tố đột biến nào lớn làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động công ty. Giá giao dịch cổ phiếu hoàn toàn do yếu tố thị trường quyết định.

Vạn Đạt Group làm ăn ra sao?

Vạn Đạt Group được thành lập vào năm 2019, tiền thân là Công ty cổ phần Tập đoàn kiến trúc Vạn Đạt. Vốn điều lệ công ty từ thời điểm thành lập 50 tỷ đồng, được góp bởi 3 cá nhân gồm ông Trần Văn Anh – Chủ tịch HĐQT (90%), Chiêng Quốc Kim (5%) và ông Lê Việt Minh Pháp (5%).

Mức vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng và duy trì đến nay. Cơ cấu cổ đông lớn tại ngày 27/5, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Văn Anh sở hữu 61% vốn và ông Lai A Chánh sở hữu 27,3% vốn.

Bắt đầu với kinh doanh bất động sản và thương mại đa ngành, đến năm 2021 công ty quyết định tiếp tục đăng ký thêm nhiều ngành nghề và đổi tên thành CTCP Vạn Đạt Group.

Nhằm mở rộng và đầu tư lĩnh vực sản xuất vải, năm 2022 Vạn Đạt Group đã mua lại 16% vốn góp Công ty TNHH Sản xuất Nguyên liệu Dệt may Vạn Đạt.

Với 50 tỷ đồng vốn góp, doanh nghiệp đã dùng 15,4 tỷ đồng để mua quyền sử dụng khu đất B07 Jamona Home Resort, phương Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, TP.HCM; 20 tỷ thanh toán nợ vay; 9,8 tỷ thanh toán tiền mua hàng; 3,6 tỷ đầu tư phương tiện vận tải và 200 triệu đồng bổ sung vốn lưu động.

Sau gần 5 năm hoạt động, quy mô tổng tài sản công ty tăng lên 71 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định 18,2 tỷ đồng, hàng tồn kho 21,5 tỷ và các khoản phải thu gần 23 tỷ đồng. Về phần nguồn vốn, công ty không có nợ vay, khoản nợ phải trả lớn nhất là phải trả người bán ngắn hạn 12 tỷ đồng.

Về mặt hoạt động kinh doanh, ở giai đoạn mới thành lập, 2019 – 2020, công ty dự định cùng góp vốn liên doanh để phát triển dự án bất động sản vừa và nhỏ, tuy nhiên tình hình phát triển dự án và xin giấy phép các dự án gặp khó khăn. Vì vậy, giai đoạn này công ty chỉ ghi nhận doanh thu đến từ hoạt động buôn bán vật liệu xây dựng.

Năm 2021, kinh doanh bất động sản vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp mở thêm lĩnh vực bán lẻ vải, len, sợi, chỉ và hàng dệt may trong các cửa hàng chuyên doanh, đồng thời đổi tên thành Công ty cổ phần Vạn Đạt Group.

Trong giai đoạn 3 năm 2021 – 2023, doanh thu công ty tăng rất mạnh từ 42 tỷ lên 164 tỷ và 213 tỷ đồng. Song, lợi nhuận sau thuế khá trồi sụt, 391 triệu đồng, 3,2 tỷ và 2,6 tỷ đồng. Cho đến nửa đầu năm nay, doanh thu công ty tiếp tục tăng 35% lên 110,4 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm 19% xuống 1 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu năm nay doanh thu tăng 10,3% lên 235 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 9% lên 2,8 tỷ đồng. Sau nửa năm, công ty thực hiện được 47% chỉ tiêu doanh thu và 35,7% chỉ tiêu lợi nhuận.

Ban lãnh đạo kỳ vọng với triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm, sự phục hồi của các đơn hàng (đặc thù ngành dệt may đơn hàng lớn rơi vào cuối năm), qua đó giá bán tăng sẽ giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện.

 Tính đến hết quý II/2024, công ty mới tích lũy được hơn 5,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Vạn Đạt Group đang trong quá trình phát triển quy mô nên chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào cho cổ đông.

Tin Cùng Chuyên Mục