Ngày pháp luật

Vụ tranh chấp đất tại Cần Thơ: Vì sao Tòa án 'phớt lờ' các tình tiết quan trọng?

Diễm Kiều

Gia đình bà Lý Hảo (ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đưa đơn khiếu nại về bản án sơ thẩm (xét xử tranh chấp đất) của TAND quận Ninh Kiều vì cho rằng bản án này đã tạo điều kiện cho nguyên đơn chiếm nhà đất của gia đình bà đã ở ổn định trên 50 năm.

Chữ ký giả...“đòi” đất thật

Theo đơn trình bày, khoảng năm 1939, ông Từ Tô (cha chồng bà Hảo) cùng gia đình khai phá và sử dụng khu đất này. Sau khi ông Tô qua đời, bà Hảo cùng các con, các em chồng tiếp tục ở và sinh sống. Từ năm 1976 đến nay, gia đình bà đóng đầy đủ thuế đất ở, nhà ở hàng năm theo quy định.

Vụ tranh chấp đất tại Cần Thơ: Vì sao Tòa án 'phớt lờ' các tình tiết quan trọng? - Ảnh 1
Biên bản xác minh chữ ký trong giấy xác nhận ở nhờ của nguyên đơn là giả

Đang sinh sống yên ổn thì năm 2008, vợ chồng ông Lê Hưng Lợi (54 tuổi) bất ngờ khởi kiện gia đình bà Hảo để đòi lại đất. Ông này cho rằng, cha mẹ ông cho ông Tô ở nhờ trên phần đất thuộc thửa 126, tờ bản đồ số 47 (số 38 đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) với diện tích khoảng 70m² đất vườn, đến khi mãn đời sẽ trả lại. Khi ông Tô mất, bà Bảy (mẹ ông Lợi) muốn lấy lại đất nhưng bà Hảo xin được tiếp tục ở vì gia đình khó khăn. Đầu năm 2006, bà Bảy yêu cầu trả lại đất nhưng bà Hảo không đồng ý. Vì vậy, bà Bảy và ông Lợi đã gửi đơn nhờ chính quyền địa phương giải quyết. Nội dung đơn khẳng định: “Bà Lý Hảo có ký giấy thừa nhận việc ở nhờ trên phần đất của gia đình tôi”. 

Tuy nhiên, chữ ký đó không phải của bà Hảo vì thực tế bà không biết chữ. Điều này đã được cán bộ phường, cán bộ khu vực xác minh: “Khẳng định không phải là chữ ký thật mà là chữ ký giả mạo”. 

Trao đổi với PLVN, ông Phạm Hồng Hân, Trưởng Khu vực 1, phường Hưng Lợi cho biết: “Lúc đó, phía hộ bà Bảy không thừa nhận tạo chữ ký giả. Tôi nhớ là buổi chiều hôm xác minh chữ ký, con dâu bà Bảy (vợ ông Lợi - PV) qua nhà tìm tôi mượn giấy xác nhận để xem. Tôi nghĩ là bả chỉ xem nên tôi đưa. Không ngờ bả giật lấy, tôi đòi lại nhưng bả không trả mà xách đi luôn. Sau đó phi tang tờ giấy đi đâu thì mình không biết”.

Vấn đề đặt ra là tại sao vợ ông Lợi lại có hành động đó, phải chăng có điều gì mập mờ, khuất tất trong sự việc này?

Mặt khác, năm 2002 đất của bà Hảo bị giải tỏa thu hồi 124,2m2 để mở rộng đường 30/4. Gia đình bà nhận tiền bồi thường và cất nhà mới trên phần đất còn lại. Lúc này, gia đình bà Bảy mới làm hồ sơ đăng ký 403m² đất. Phần đất này không liên quan đến phần đất bà Hảo đang ở. Giai đoạn này không xảy ra bất kỳ sự tranh chấp nào.

 Điều đáng nói, vụ kiện dân sự này lại kéo dài 10 năm, nhiều lần được đưa ra giải quyết và bị hủy án, đình chỉ giải quyết vì chưa làm rõ nguồn gốc đất tranh chấp và quá trình sử dụng đất. Ngạc nhiên hơn khi trong đơn khởi kiện gia đình ông Lợi nêu rõ cho mượn “khoảng 70m² đất vườn” nhưng sau 10 năm tranh chấp đã biến thành 85,92m² đất thổ cư, giá trị nâng lên hàng chục lần. Giá đất tòa áp dụng là 35.000.000/m² đất thổ cư và chỉ khoảng 2.500.000 đồng/m² đất vườn.

Bị đơn kháng cáo, VKSND kháng nghị

Tại bản án sơ thẩm số 99/2018/DSST ngày 9/11/2018, TAND quận Ninh Kiều nhận định, Sổ mục kê, Sổ đăng ký ruộng đất thể hiện nguồn gốc đất tranh chấp thuộc về gia đình ông Lợi. Buộc bị đơn phải có trách nhiệm hoàn lại cho nguyên đơn số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trong 10 ngày các đương sự sẽ nhận được bản án và được quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ 14 (ngày 23/11/2018) gia đình bà Hảo mới được bản án.

Không những thế, HĐXX cũng “bỏ qua” tình tiết liên quan đến chữ ký của bà Hảo trong giấy xác nhận. Phía nguyên đơn khẳng định cho phía bị đơn ở nhờ nhưng không có bằng chứng, giấy tờ chứng minh và cũng không chứng minh được cha mẹ ông Lợi là chủ của mảnh đất nói trên. 

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, gia đình bà Hảo làm đơn kháng cáo. Đồng thời, VKSND quận Ninh Kiều cũng đã có kháng nghị vì nhận thấy: “Tòa cấp sơ thẩm nhận định như trên để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và bác yêu cầu phản tố của bị đơn là chưa xem xét và đánh giá đầy đủ, toàn diện các chứng cứ thể hiện có trong hồ sơ vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. 

Theo đó, VKSND cho rằng, hồ sơ thể hiện phần đất trên được gia đình bị đơn đã ổn định sử dụng từ trước năm 1960 và có đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước từ năm 1976 đến nay. Đồng thời, nguyên đơn cũng thừa nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến phần đất này. Trong hồ sơ đăng kí quyền sử dụng đất của nguyên đơn ngày 21/3/2001, có chữ ký của bà Lý Hảo ký giáp ranh phần đất trên.

Do vậy, chính bà Bảy cũng thừa nhận phần đất tranh chấp là của bị đơn. Ngoài ra, lúc đất của bà Hảo bị thu hồi và bồi thường để làm đường phía nguyên đơn biết nhưng không khiếu nại. Theo luật định, phần đất đang tranh chấp bị đơn đã ổn định trên 30 năm nên có đủ căn cứ chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, công nhận cho bị đơn được sử dụng phần đất trên.

Tin Cùng Chuyên Mục