Ngày pháp luật

Vũ "nhôm" không oan, khó thoát án

Theo Đoàn Nga/ Vietnamnet

Trình bày quan điểm về kháng cáo kêu oan của Vũ "nhôm", VKS khẳng định, có đủ cơ sở để kết luận bị cáo phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, không oan sai.

Ngày 29/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 và Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) cùng 16 bị cáo tiếp tục với phần tranh luận. Trước khi bước vào tranh luận, đại diện VKS đưa ra quan điểm về kháng cáo của các bị cáo.

Xét kháng cáo kêu oan của Phan Văn Anh Vũ, VKS nhận thấy, năm 2013, do thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư.

Vũ
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Thanh Tùng.

Do quen biết từ trước, Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ bàn bạc và thống nhất: Phan Văn Anh Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014, mục đích để Phan Văn Anh Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.

Nguồn tiền mua cổ phần DAB gồm: Phan Văn Anh Vũ thế chấp 220 lô đất tại Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Vũ và Vũ kí khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB để Vũ có được 200 tỷ đồng tham gia mua cổ phần của DAB.

Khi việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công, ngày 8/4/2014, Trần Phương Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi của 600 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79.

Vũ
Bị cáo Trần Phương Bình. Ảnh: Thanh Tùng.

Như vậy, Phan Văn Anh Vũ chỉ nộp 400 tỷ đồng nhưng lại nhận 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi, tức là đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống mà có và gần 3,2 tỷ đồng tiền lãi của số tiền khống này.

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và các tài liệu, có đủ cơ sở kết luận, Phan Văn Anh Vũ đã phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn có căn cứ, không oan sai.

Đối với 16 bị cáo cấp dưới của Trần Phương Bình, theo VKS, các bị cáo là nhân viên của DAB, biết rõ tình trạng của ngân hàng và các quy tắc hoạt động nhưng lại tiếp tay cho bị cáo Bình và Xuyến, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng đến nay vẫn chưa khắc phục. Vì vậy, mức án đã tuyên của cấp sơ thẩm là hoàn toàn phù hợp, không có căn cứ để giảm án.

Vũ
 
Các bị cáo tại tòa.

Xét kháng cáo của bị cáo Trần Phương Bình, với yêu cầu không tính lãi các khoản tiền vay tiền, vàng… VKS cho rằng ngân hàng vẫn phải trả lãi nên kháng cáo này không có cơ sở chấp nhận. Đối với kháng cáo xin nhận trách nhiệm dân sự cho các bị cáo và người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan, do những người này gây thiệt hại cho DAB nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho DAB là phù hợp. Nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo này của bị cáo Bình.

Xét kháng cáo không thừa nhận hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giảm đốc DAB).

Theo đó, VKS cho rằng bị cáo đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới chuyển tiền để che giấu âm quỹ; lập chứng từ khống. Bị cáo đã chuyển 40 tỷ đồng vào tài khoản của người thân để chi xài cá nhân. Án sơ thẩm quy kết Xuyến phạm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền của DAB, xử phạt 20 năm tù.

Tại tòa phúc thẩm Xuyến không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, dựa vào xét hỏi và lời khai của các nhân chứng có đủ cơ sở chứng minh tòa sơ thẩm quy buộc Xuyến phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, không oan sai. Do đó, việc bị cáo Xuyến lĩnh 18 năm tù về tội Cố ý làm trái, 20 năm tù vì tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tổng hợp hình phạt bị cáo này phải nhận là 30 năm tù và phải trà 20 tỷ đồng theo án sơ thẩm là hoàn toàn phù hợp.

Vì các lẽ trên, VKSND Cấp cao đề nghị tuyên không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, không chấp nhận kháng cáo về dân sự đối với bị cáo Trần Phương Bình, ngân hàng Đông Á và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

TAND Cấp cao đề nghị Bộ Công an điều tra, truy tố đối với Phạm Văn Tân trước là trợ lý của Trần Phương Bình sau được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, đã giúp sức cho Trần Phương Bình chiếm đoạt tổng cộng 221 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được điều tra, truy tố.

Tin Cùng Chuyên Mục