Sau giờ giải lao, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Bình) tham gia phần xét hỏi. Trả lời về mục đích tăng vốn điều lệ cho DAB, ông Bình nói: "Để nâng cao tính thanh khoản, nâng cao uy tín". Khách hàng gửi tiền đều dựa vào vốn điều lệ, quy mô và ngân hàng có nhiều chi nhánh hay không. Đồng thời, nếu ngân hàng nào có vốn điều lệ thì mức tín dụng cấp cho khách hàng sẽ được nâng cao hơn, giúp ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh.
Luật sư đặt vấn đề: "DAB tồn tại âm vốn chủ sở hữu, lỗ luỹ kế, vì sao ông phải đưa người thân vào để mua cổ phiếu?". Ông Bình cho rằng làm vậy để mọi người thấy trong cơn khủng hoảng DAB vẫn có thể tăng vốn đều lệ. Cũng như trình bày trước đó, do không nhờ được ai nên ông Bình phải lấy tên vợ con để mua.
Giọng từ tốn, rành rọt, ông Bình nói về những yếu tố tác động đến hoạt động của ngân hàng gồm uy tín và nguồn nhân lực: "Yếu tố đưa bị cáo đến sai phạm là nguồn nhân lực của DAB so với yêu cầu tồn tại và phát triển ngân hàng còn hạn chế. Chỉ có bị cáo điều hành hoạt động kinh doanh, các thành viên khác của HĐQT đều kiêm nhiệm".
Giải thích lý do không thông qua HĐQT, ông Bình cho rằng "nếu có báo cáo HĐQT thì cũng không giải quyết được, nếu có thì cũng rất chậm trễ". Ông Bình cho biết thêm, về mặt nguyên tắc HĐQT sẽ có những cuộc họp định kỳ để báo cáo tình hình hoạt động và đưa ra định hướng.
Về số tiền 358 tỷ đồng bị cáo buộc sử dụng cá nhân, ông nói, 194 tỷ đồng được trích ra để giải quyết khoản vay 160 tỷ mua cổ phiếu của Công ty Quỹ Lộc Việt. Số tiền còn lại chủ yếu phục vụ chi trả lãi cho ngân hàng. "Bản thân bị cáo không sử dụng, nếu có thì cũng không đến hàng tỷ, tài sản bị cáo có nằm ở dạng cổ phiếu", cựu Tổng giám đốc DAB trình bày.
Đối với Công ty An Bình do mình thành lập, ông Bình khai: "Không làm việc gì khác ngoại trừ thực hiện các nghiệp vụ để che giấu khoản nợ vay và mua cổ phiếu, không hề hoạt động kinh doanh để thu lợi nhuận".
Trong hôm đầu tiên bị xét hỏi, ông Bình cho biết, trước khi nhận văn bản bổ nhiệm của Ủy ban quận Phú Nhuận về làm việc tại ngân hàng, ông là giảng viên trường Trung học Tài chính TP HCM. Bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Bình) từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị DAB, đến năm 1997 thì rút khỏi ngân hàng.
HĐXX đang xét hỏi Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB) - bị cáo buộc kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại hơn 352 tỷ đồng và chi lãi ngoài gây thiệt hại gần 468 tỷ của DAB. Tuy nhiên, tại tòa cũng như cơ quan điều tra trước đó, Lan đều phủ nhận sai phạm.
"Bị cáo cho rằng thông tin mà những bị cáo khác khai là không chính xác", Lan nói, giọng cương quyết.
Theo cáo trạng, Xuyến là người trực tiếp chỉ đạo và giao Lan thông báo đến các đơn vị kinh doanh số điện thoại để thỏa thuận việc chi lãi suất ngoài. Được triệu tập đến tòa hôm qua, ông Trịnh Ngọc Bình (Thủ quỹ ngoại tệ Hội sở DAB) khai được Lan chỉ đạo chi lãi suất ngoài 160 tỷ cho 72 đơn vị kinh doanh khu vực TP HCM. Ông Bình từng thắc mắc nhưng Lan nói "không cần phải lo, cứ ký".
Vũ "nhôm": "Bị cáo rất thân anh Bình, nhiều lần mượn nhau vài triệu USD"
Phan Văn Anh Vũ là người đầu tiên được gọi lên xét hỏi. Chống hay tay lên bục khai báo, ông Vũ cho rằng bản cáo trạng truy tố "không chính xác". "Bị cáo hoàn toàn không phạm tội, cáo trạng buộc tội oan", giọng Vũ rành rọt. Hơn 200 tỷ đồng cơ quan điều tra cáo buộc chiếm đoạt là quan hệ dân sự với ông Bình. Vì vay mượn nên Vũ không phải ký bất kỳ hồ sơ nào.
Vũ khai quen ông Bình vào năm 2006, thông qua Võ Ngọc Châu (Tổng giám đốc Công ty 586). Tình cảm giữa hai người rất tốt, ông Bình nhiều lần giúp đỡ Vũ. Có những đối tác tốt Vũ sẽ giới thiệu cho ông Bình để vay vốn.
"Bị cáo không hề đề xuất mua cổ phần của DAB. Đầu năm 2014, anh Bình nói với bị cáo về tình hình của ngân hàng và đề xuất. Anh Bình mong muốn Công ty Bắc Nam 79 mua lại 60 triệu cổ phần với giá 600 tỷ".
Tòa hỏi "tại sao không chịu mời 100 hay 50 triệu cổ phần", Vũ đáp: "HĐXX phải hỏi ông Bình, bị cáo không biết". Tin tưởng ông Bình, Vũ thế chấp tài sản cho DAB để vay 400 triệu. Hội đồng định giá đất của bị cáo chưa tới 600 tỷ nên chỉ định mua 40 triệu cổ phần. "Thực lực đến đâu thì bị cáo mua đến đó. Nhưng ông Bình nói 'được rồi, anh sẽ cho mày vay tiền cá nhân của anh'", Vũ khai.
Sáng 17/1/2014, ông Bình gọi cho Vũ nói đã thu xếp được tiền và kêu sang gặp. Tại phòng làm việc, ông Bình gọi cho một người nói: "Mày bán 10 triệu USD cho anh, lát giao cho Vũ nộp 200 tỷ, phần còn lại chuyển vào tài khoản anh". Sau đó Nguyễn Đức Vinh (nhân viên ADB) mời Vũ xuống tầng một để ký giấy tờ, nhưng ông Bình kêu lên phòng làm việc. Tại đây, Vũ viết theo bảng kê tiền mặt đã có sẵn nội dung, theo sự hướng dẫn của Vinh.
Vũ khai tiếp, lần đầu mua cổ phần không thành công nên được DAB trả lại 600 tỷ đồng cùng 9 tỷ tiền lãi. Tiền trả về công ty gồm 2 khoản tiền, 400 tỷ đồng thế chấp tài sản và 200 tỷ vay của ông Bình. Số tiền này bị cáo dùng 500 tỷ để mua 50 triệu cổ phần của 4 công ty do ông Bình giới thiệu. 100 tỷ còn lại mua cổ phần Công ty An Bình (công ty của ông Bình) và mới trả được 46 tỷ.
Vũ nhiều lần lặp lại trước tòa "rất tin tưởng anh Bình, trước nay anh Bình nói gì có đó" và trình bày khá dài dòng các tình tiết. Khi chủ tọa ngắt lời, Vũ nói: "HĐXX cho bị cáo nói, suốt 7 tháng 13 ngày qua (tính từ thời điểm có kết luận điều tra) bị cáo không làm sao ngủ được. Rõ ràng chuyện 200 tỷ đồng là bị cáo vay anh Bình mà".
Để bảo vệ quan điểm của mình, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79 nhắc về khoản nợ 13,4 triệu USD chưa trả ADB. Vũ cũng khẳng định đây là quan hệ dân sự do "uy tín" với ông Bình, xảy ra trước khi Vũ mua cổ phần của DAB. Bị cáo kẹt tiền nên gọi ông Bình nhờ, vì trước đây ông Bình cũng nhiều lần giúp đỡ. "Có 9-10 lần anh Bình cho bị cáo mượn đôla, trực tiếp đưa tiền. Duy nhất một lần có người khác đưa cho bị cáo tại Hà Nội. Tất cả đều không ký giấy tờ. Vậy sao lần này cơ quan điều tra sao lại truy tố bị cáo, bị cáo hoàn toàn oan, hoàn toàn không hề vụ lợi", Vũ nói.
Khi được hỏi mục đích sử dụng khoản tiền này, Vũ cho biết mình dùng vào việc cá nhân, hiện gia đình đã nộp 173 tỷ đồng cho cơ quan điều tra.
Chủ tọa cho biết lời khai tại tòa của ông Bình về nguồn gốc số tiền 200 tỷ đồng "không khớp" với Vũ. "Bình khai trước đó muốn bán 10 triệu USD nhưng Nguyễn Thị Kim Loan không đồng ý. Vì thế đã chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh lập chứng từ thu khống 200 tỷ từ bị cáo", chủ tọa nói.
Công ty Bắc Nam 79 được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009 với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, sở hữu 50 triệu cổ phần (10%) DAB, do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT. Năm 2013 DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ. Ông Bình ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư, có tiền xử lý khó khăn, nâng cao vị thế.
Ông Bình thống nhất bán cho Vũ Nhôm 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng để lãnh đạo Công ty Bắc Nam 79 trở thành cổ đông lớn, nắm quyền chi phối DAB. Vũ Nhôm thế chấp 220 lô đất tại Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng Harbour Ville (Đà Nẵng) cho nhà băng này. 200 tỷ còn lại, Vũ được ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ của DAB chuyển vào tài khoản Công ty Bắc Nam 79, sau đó Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB.
Phiên xử ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB) và 24 bị cáo về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tếgây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần xét hỏi.
Liên quan vụ án, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, 43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) bị truy tố tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Vũ Nhôm được dẫn đến tòa lúc 6h30. Ảnh: Hữu Khoa.
Ông Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ cùng 24 bị cáo được đưa đến tòa khá sớm. Trong chiếc áo sơ mi xanh dài tay, Vũ Nhôm khoanh tay trông khá thoải mái khi bước xuống xe bít bùng, phía sau là Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên trưởng phòng quản lý nợ DAB).
Đây là 2 bị cáo kêu oan - HĐXX cách ly tại trại giam khi xét hỏi ông Trần Phương Bình và những người khác.
Bị cáo Ái Lan. Ảnh: Hữu Khoa.
Vẫn cầm túi nylon đựng giấy tờ, ông Bình tỏ rõ sự mệt mỏi. Còn nguyên Phó tổng giám đốc DAB Nguyễn Thị Kim Xuyến phải nhờ hai cán bộ tư pháp dìu vào phòng lưu phạm vì chân bị thương.
Trong phạm vi vụ án, ông Bình bị cáo buộc Lạm dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới gây hàng loạt sai phạm khiến nhà băng thiệt hại 3.608 tỷ đồng. Ở hành vi Thiếu trách nhiệm, ông Bình gây thiệt hại 2.057 tỷ từ năm 2007 đến 2014. Trong đó, ông giúp Vũ chiếm đoạt hơn 200 tỷ của DAB ở lần tăng vốn điều lệ; mua giúp 13,4 triệu USD nhưng Vũ chưa thanh toán.
Đối với số tiền thiệt hại còn lại 1.551 tỷ đồng, nguyên Tổng giám đốc DAB và các bị cáo phải chịu trách nhiệm do: suất quỹ sai nguyên tắc cho 219 công ty để chi lãi ngoài huy động vốn; kinh doanh ngoại hối, hơn 610 lượng vàng tài khoản...
Tại phần xét hỏi trước đó, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận cáo buộc. Ông Bình khai vì tin tưởng vào khả năng kinh doanh của Vũ nên đã giúp ông này thâu tóm DAB và mua hộ ngoại tệ. Việc không nói rõ cho Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79 biết thực trạng của DAB khiến ông Bình "cảm thấy có lỗi".