Ngày pháp luật

Vụ kiện Hòa Lân: Lý do kháng nghị giám đốc thẩm bị "việt vị" bởi kết luận của các cơ quan tư pháp Trung ương

Bình Hà

Vụ tranh chấp liên quan đến dự án khu dân cư Hòa Lân tại TP tại Thuận An, Bình Dương đã hai cấp tòa đã ra bản án, tuyên không hủy kết quả đấu giá và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Kim Oanh TP HCM, đơn vị trúng đấu giá được tiếp tục thực hiện dự án nhưng VKSND cấp cao tại TP HCM đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm khiến dự án bị đình trệ và doanh nghiệp trúng đấu giá tiếp tục thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày.

VKSND Cấp cao đưa quan điểm trái ngược VKSNDTC

Trong quyết định kháng nghị ngày 22/6/2021, VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng có vi phạm quy định về cho vay của Ngân hàng Agribank với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú, doanh nghiệp được giao đất để thực hiện dự án Hòa Lân.

Dự án Hòa Lân tiếp tục rơi vào tình trạng lãng phí hoang hóa sau quyết định kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM.
Dự án Hòa Lân tiếp tục rơi vào tình trạng lãng phí hoang hóa sau quyết định kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM.

Trước ngày Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm vụ kiện, bên liên quan là Công ty Kim Oanh đã đưa ra một số chứng cứ kết luận của các cơ quan tố tụng Trung ương, để khẳng định không hề có “vi phạm quy định về cho vay” trong sự việc.

Như PLVN đã nhiều lần phản ánh, trong vụ kiện này Công ty Thiên Phú thế chấp dự án cho Agribank. Khoản vay đến hạn không được thanh toán nên Công ty Thiên Phú đã đồng ý đẻ Ngân hàng xử lý tài sản thế chấp là sử dụng quyền sử dụng đất của dự án để trả nợ. Sau khi Agribank bán đấu giá và Công ty Kim Oanh mua đấu giá trúng nhiều năm, thì Công ty Thiên Phú bất ngờ khởi kiện, đòi hủy kết quả đấu giá.

Ông Nguyễn Phú Đức, TGĐ Công ty Kim Oanh cho biết, trong vụ kiện này, Công ty chỉ là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Song, với những thiệt hại lên đến nhiều nghìn tỷ đồng do vụ kiện này gây ra thì Công ty trở thành nạn nhân trong vụ kiện.

Công ty Thiên Phú giờ đã không còn tài sản gì nên mục đích của bên kiện tụng là nhằm đến dự án Hòa Lân, tài sản mà Công ty Kim Oanh đã mua thông qua thủ tục bán đấu giá.

Công ty Kim Oanh bỏ ra 1.353 tỷ đồng mua tài sản nhưng số tiền mà Công ty bị thiệt hại do vụ kiện đã lớn hơn nhiều vì chỉ tính riêng chi phí vốn của dự án mỗi ngày Công ty phải chịu khoảng 5 tỷ đồng.

Sau khi tòa phúc thẩm có bản án, Công ty Kim Oanh đang làm thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư, sắp giải phóng nguồn lực khổng lồ đã “chôn vùi” tại đây thì bất ngờ VKSND Cấp cao ra quyết định kháng nghị, trong đó có đề nghị “tạm đình chỉ thi hành” với bản án đã có hiệu lực pháp luật khiến dự án tiếp tục “đóng băng”; khu đất vẫn bỏ hoang và chôn vùi hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp.

Trước nhận định “có vi phạm quy định về cho vay của Ngân hàng Agribank với Công ty Thiên Phú” khi thế chấp dự án Hòa Lân, ông Đức cho rằng, “đây là tài sản có giá trị hàng ngàn tỷ, nên trước khi tham gia đấu giá, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ, có các chứng cứ cho thấy cơ quan tố tụng Trung ương đã có kết luận không có vi phạm như vậy”.

Trước đó, ngày 24/12/2013, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra 3117/KL-TTCP, trong đó có nội dung kiến nghị về sự việc Thiên Phú thế chấp dự án Hòa Lân vay vốn Agribank. Ngày 19/3/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố số 13/C41-C46.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an sau đó xác minh, điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, họp liên ngành Tư pháp Trung ương giữa Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSNDTC ngày 21/4/2015. “Đối chiếu với các quy định của pháp luật, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận vụ việc không có dấu hiệu của tội phạm”.

Văn bản số 3369/KL-C46(P10) do Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an ký nêu rõ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nêu rõ kết thúc xác minh nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và vụ việc không có dấu hiệu vi phạm.

Cùng với văn bản này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 22/C46(P10), nêu rõ “không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc Agribank Chợ Lớn cho Cty Thiên Phú vay vốn nêu tại KLTT số 3117/KL-TTCP”.

Quyết định này được gửi đến VKSNDTC và thông báo cho Thanh tra Chính phủ.

"VKSNDTC và Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ tài liệu kỹ lưỡng, đối chiếu quy định pháp luật và thống nhất quan điểm trong việc cho rằng, trong vụ án này không có dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên không hiểu sao VKSND Cấp cao tại TP HCM sau đó lại đưa ra quan điểm ngược lại với cấp trên. Tôi cho rằng đó là điều rất bất thường”, Tổng Giám đốc Công ty Kim Oanh chia sẻ.

“Quên” trách nhiệm cần bảo vệ người trúng đấu giá

Là người theo dõi vụ kiện hi hữu này nhiều năm, Luật sư Nguyễn Trâm, Đoàn LS TP HCM cho rằng khi ra quyết định kháng nghị trên, VKSND Cấp cao tại TP HCM đã “quên” trách nhiệm cần bảo vệ người trúng đấu giá theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản.

“Từ khi trúng đấu giá dự án Hòa Lân vào ngày 25/5/2017 tới nay, đã trải qua thời gian hơn 4 năm, Công ty Kim Oanh đã nộp đủ số tiền trúng đấu giá 1.353 tỷ; đầu tư thêm hàng trăm tỷ để đền bù cho các diện tích chưa giải phóng mặt bằng; nộp thay Thiên Phú tiền thuế còn nợ của Nhà nước, trả lãi vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng. Tính đến nay số tiền Kim Oanh đổ vào đây đã gần 2000 tỷ đồng. Kim Oanh đã chịu quá nhiều thiệt thòi; nhưng quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá lại chưa được bảo đảm”, Luật sư Trâm nói.

Trong hơn 4 năm qua, Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc kết luận các tố cáo cuộc đấu giá sai phạm là không có cơ sở; kết quả đấu giá không bị hủy. Nội dung này đã được báo cáo Thủ tướng. Sau đó hai cấp tòa sơ phúc thẩm đã xét xử, đưa ra các phán quyết tương tự nội dung kết luận thanh tra của Bộ Tư pháp.

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản (là văn bản pháp lý có hiệu lực ở thời điểm tổ chức cuộc đấu giá dự án Hòa Lân) quy định rõ: “Quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá”.

Điều 4 Nghị định 17/2010/NĐ-CP cũng quy định: “Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá; nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật; thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá”.

“Như vậy, lẽ ra VKSND Cấp cao tại TP HCM phải có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của Kim Oanh là bên đã mua được tài sản bán đấu giá. Thế nhưng trong kháng nghị số 174, VKSND Cấp cao lại có các nhận định, kiến nghị ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Kim Oanh. VKSND Cấp cao cho rằng có một số sai phạm trước khi tổ chức cuộc đấu giá nên “cần thiết phải hủy kết quả đấu giá, hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản để giải quyết lại nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên”. Đề nghị này đi ngược lại với Điều 4 Nghị định 10/2017/NĐ-CP”, LS Trâm nói.

“Theo luật, VKSND Cấp cao tại TP HCM phải có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của Kim Oanh là đối tượng đã mua được tài sản bán đấu giá; thế nhưng cơ quan này lại đưa ra ý kiến ngược lại, là bất thường”, Luật sư Trâm cho biết.

 

Theo quyết định kháng nghị, VKSND Cấp cao tại TP HCM có động thái kháng nghị sau khi nhận được văn bản số 78/2021/CV-KTCKVN ngày 20/4/2021 của một Tạp chí Điện tử có trụ sở tại Hà Nội, cho rằng quá trình bán đấu giá dự án Hòa Lân “có vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước”. Tuy nhiên trong hồ sơ lần đầu chuyển sang TAND Cấp cao tại TP HCM, lại không có văn bản số 78/2021/CV-KTCKVN này.

Tin Cùng Chuyên Mục