Sáng 31/1, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã nhận được văn bản số 268/VP-NNTN ngày 30/1 của UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu ngành chức năng tham mưu, đề xuất hướng UBND tỉnh quyết định đối với đề nghị xử lý hành chính của UBND huyện Ngọc Hồi về vụ đào hầm khai thác vàng trái phép tại thôn Tân Bình, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum).
Trước đó, ngày 29/1, UBND huyện Ngọc Hồi đã có tờ trình số 06/TTr-UBND huyện Ngọc Hồi cho rằng, qua kiểm tra, xác minh, các đối tượng ông Nguyễn Văn Lý (hộ gia đình sử dụng đất); A Khôi, A Khôn, A Thiêng, A Thiếu, A Hổ (5 đối tượng bị bắt quả tang đang có hành vi khai thác vàng trái phép); Ông Vũ Văn Nghiêng, Trần Đình An (2 đối tượng liên hệ, tổ chức khai thác vàng trái phép) có hành vi khai thác khoáng sản vàng mà không có giấy phép của cấp có thẩm quyền, với khối lượng khoáng sản nguyên khai khoảng 10 tấn tại thôn Tân Bình, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi).
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 44, Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017, khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của các đối tượng này là từ 50-70 triệu đồng. Xét tính chất, hành vi vi phạm của các đối tượng và khung hình phạt vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện (được xử phạt không quá 50 triệu đồng). UBND huyện Ngọc Hồi đề nghị UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định xử phạt hành chính đối với các đối tượng nêu trên.
Trước đó, sau khi đoàn liên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường đã “đột kích” hầm khai thác vàng trái phép quy mô lớn tại thôn Tân Bình, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi), UBND huyện Ngọc Hồi đã giao công an huyện vào cuộc khẩn trương điều tra, trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố hình sự.
Theo đoàn liên ngành, năm 2013, tại khu vực đất gia đình ông Nguyễn Văn Lý từng xảy ra khai thác vàng trái phép và bị UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 70 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, hộ ông Nguyễn Văn Lý vẫn chưa chấp hành nộp phạt và lại tiếp tục để tình trạng khai thác vàng tái diễn.
Bên cạnh đó, việc để tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn nhiều lần còn có trách nhiệm của UBND xã Đăk Kan và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hồi. Dư luận cũng rất quan tâm về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu ngành môi trường huyện Ngọc Hồi khi để xảy ra hàng loạt sai phạm về lĩnh vực khoáng sản và môi trường mà báo chí phản ánh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, huyện Ngọc Hồi là “điểm nóng” về tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn trong thời gian dài mà trước đó các cơ quan báo chí đã từng phản ánh. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng khai thác vàng và xử lý trách nhiệm địa phương và các ngành chức năng liên quan còn “qua loa”, chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy, việc tái diễn khai thác vàng trái phép là chuyện “như cơm bữa”.
Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục thông tin.