Ngày pháp luật

Vụ chìm ca nô tại Cần Giờ: Cần thay người tiến hành tố tụng để tránh oan sai

Khoa Lâm

Cho rằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ chìm tàu tại Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) là oan sai, Cty Cổ phần Cảng Đông Xuyên và một số doanh nghiệp, Chi bộ Đảng, Công đoàn... tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị thay thế người có thẩm quyền giải quyết vụ án .

Đề nghị được đối thoại về vụ án

Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đã có ý kiến chuyển văn bản kiến nghị trên đến Ban Nội chính Thành ủy để xem xét trả lời.

Tại Văn bản số 388 ngày 21/2/2017, Văn phòng Thành ủy TP.HCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Văn phòng Thành ủy kính chuyển văn bản đề ngày 15/2/2017 của Cty Cổ phần Cảng Đông Xuyên và một số doanh nghiệp, Chi bộ Đảng, Công đoàn... đến Ban Nội chính Thành ủy để xem xét giải quyết và trả lời.

Vụ chìm ca nô tại Cần Giờ: Cần thay người tiến hành tố tụng để tránh oan sai - Ảnh 1
Văn bản chuyển đơn của Văn phòng Thành ủy TP.Hồ Chí Minh

Trước đó, tại văn bản của mình, Cty CP Cảng Đông Xuyên cùng một loạt các doanh nghiệp như Cty CP Xây Lắp Dầu khí Miền Nam, Cty CP Công nghiệ Việt-Séc, Cty CP Chế tạo Thiết kế Dầu khí APEM, Cty CP Tư vấn Thiết kế DK (đều có trụ sở tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp này đã cho rằng, vụ án “đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” đã bị kéo dài 4 năm, tòa án đã 2 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng Phó Viện trưởng VKSND TP.Hồ Chí Minh - ông Đoàn Tạ Cửu Long vẫn không chịu thừa nhận các sai phạm về tố tụng để đình chỉ điều tra vụ án mà còn tiếp tục “ngâm án”, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.

Nguyên nhân tai nạn đã được xác định ngay từ khi khởi tố vụ án và trong cả 2 lần trưng cầu giám định gần đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đều khẳng định nguyên nhân gây tai nạn là do tàu chở quá số người và gặp thời tiết bất lợi. Như vậy, lỗi trong vụ tai nạn này không phải của ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Cty CP Việt-Séc) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Cty CP Vũng Tàu Mariana) - những người không liên quan đến việc đưa vào sử dụng tàu không an toàn. 

Nhiều lần có ý kiến, kiến nghị xin gặp và đối thoại với lãnh đạo VKSND TP.Hồ Chí Minh về vụ án oan sai nói trên nhưng không được đáp ứng, các doanh nghiệp đã đưa ra đề nghị thay thế người có thẩm quyền giải quyết vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đình chỉ vụ án, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.

Trong một diễn biến khác, ngày 14/2/2017, ông Đoàn Tạ Cửu Long đã ký công văn gửi lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết “trong qúa trình giải quyết vụ án, do quan điểm của TAND TP.Hồ Chí Minh yêu cầu phải có kết luận rõ của cơ quan giám định về việc không đảm bảo an toàn của ca-nô BP 12-04-02 nên hồ sơ vụ án phải trả để điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa...

Hiện nay, vụ án đang tạm đình chỉ để làm rõ các nội dung liên quan đến kết luận giám định (KLGĐ). Sau khi có kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng TP.HCM sẽ phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra các bị can để tiếp tục xử lý theo pháp luật, không có việc vụ án “cơ quan điều tra không chứng minh được tội phạm” và “treo án” như nội dung các báo đã nhận định.

Không có lỗi trong thiết kế, chế tạo

Tại Văn bản này, VKSND TP.Hồ Chí Minh còn cho biết, ngày 8/2/2017 và ngày 13/2/2017, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hồ Chí Minh đã có Công văn gửi Bộ GTVT, Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Bộ Quốc phòng và Phòng Đăng kiểm Hải quân đề nghị giải thích rõ về KLGĐ; làm rõ về thiết kế của ca-nô BP 12-04-02 có đạt tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng hay không và xác định thời điểm mất hiệu lực của Giấy Đăng kiểm đối với ca nô BP 12-04-02.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Đảo thì những nội dung “đề nghị được giải thích” trên đều đã khá rõ trong hồ sơ vụ án và đặc biệt là trong 2 KLGĐ của Bộ GTVT. Theo đó, “nguyên nhân dẫn đến mất ổn định, gây tai nạn lật phương tiện là do chở quá số người cho phép, cộng thêm phương tiện đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn”. Kết luận giám định tư pháp không có mâu thuẫu với các văn bản như nêu tại Công văn ngày 22/11/2016 của Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hồ Chí Minh. Như vậy thì rõ ràng, nguyên nhân chìm ca-nô BP 12-04-02 không phải do lỗi thiết kế thì không hiểu sao, CQĐT lại cứ đi hỏi về vấn đề này?

Cũng tại LKGĐ của mình, Bộ GTVT cho biết, phương tiện BP 12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật phương tiện số 20.22-13 ngày 16/7/2013 có hiệu lực đến ngày 2/7/2014. Tức là tại thời điểm xảy ra tai nạn thì Giấy Đăng kiểm của Hải quân vẫn còn hiệu lực gần 1 năm nữa.

Ngoài ra, theo Bộ GTVT thì phương tiện BP 12-04-02  đã được Phòng đăng kiểm Hải quân cấp Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật phương tiện theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Liên quan đến vấn đề này thì cách đây 2 năm, Viện Kiểm sát quân sự và Cơ quan điều tra hình sự - Quân chủng Hải quân đã có văn bản trả lời các cơ quan tố tụng TP.HCM rằng, Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật của ca nô BP 12-04-02 chỉ có sai sót khi ghi nhầm tên vật liệu chế tạo. Còn Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật phương tiện thủy Đăng kiểm hải quân cấp cho các phương tiện do Cty Việt-Séc sản xuất bán cho một số đơn vị Quân đội như: Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Cảnh sát biển VN... đều ghi đúng tên vật liệu chế tạo thân vỏ thực tế của phương tiện là PPC và các phương tiện này hiện đều đang lưu thông an toàn

Như vậy thì có thể thấy, quá trình thiết kế, chế tạo, đăng kiểm ca-nô BP 12-04-02 đã không có sai sót nào dẫn đến vụ tai nạn. 

Tin Cùng Chuyên Mục