Ngày pháp luật

Vụ án cựu Bí thư Bến Cát kêu oan: Tòa trả hồ sơ, khán phòng vỗ tay rần rần

Bùi Yên

Chiều qua (24/12), HĐXX xét thấy có nhiều vấn đề quan trọng thiếu sót trong vụ án liên quan ông Nguyễn Hồng Khanh, mà không thể bổ sung tại phiên tòa, nên đã trả hồ sơ cho VKS. Khi chủ tọa vừa đọc “Quyết định trả hồ sơ vụ án...”, người dự khán đã ồ lên vỗ tay rần rần, vui mừng.

Vụ án cựu Bí thư Bến Cát kêu oan: Tòa trả hồ sơ, khán phòng vỗ tay rần rần - Ảnh 1
Ông Khanh dáng vẻ tiều tụy sau một năm bị bắt giam trong một vụ án còn rất nhiều lỗ hổng pháp lý mà HĐXX đã chỉ ra.

Tòa chỉ ra nhiều “lỗ hổng” trong hồ sơ vụ án

Dự kiến phần tuyên án với ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư Bến Cát) bị cáo buộc đồng phạm giúp sức cho ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sẽ bắt đầu lúc 15h.

Tuy nhiên, từ rất sớm, người thân các bị cáo và người dân quan tâm vụ án đã đến rất đông. Theo quan sát có thể lên đến 200 người. Phòng xử chật kín, không còn chỗ ngồi, rất nhiều người phải đứng nghe tuyên án.

Bà Huỳnh Thị Phương Anh, vợ ông Khanh đứng ngồi không yên, liên tục đi ra, đi vào. Ông Khanh bị cảnh sát trại giam đưa đến tòa trong vẻ rất bình tĩnh, dáng gầy gò, vẫn một bộ quần áo thường thấy trong suốt vụ án kéo dài hai tuần này. Ông Khanh được phép trao đổi một số vấn đề với luật sư (LS) Lê Thị Minh Nhân (Đoàn LS TP HCM).

Đến 15h40, HĐXX mới tiến hành tuyên án, muộn hơn dự kiến 40 phút. Khi chủ tọa vừa đọc “Quyết định trả hồ sơ vụ án…”, người dự khán đã ồ lên vỗ tay rần rần, vui mừng. Chủ tọa phải ngừng lại, nhắc nhở người dự khán bình tĩnh, giữ im lặng để HĐXX tiếp tục phần tuyên án. 

Theo HĐXX, cần xem xét những chứng cứ quan trọng trong vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa. Có một số vấn đề mà HĐXX yêu cầu VKSND Bình Dương phải làm rõ.

Thứ nhất, hồ sơ thể hiện giấy ủy quyền ngày 25/1/2008 của bà Nguyễn Hiệp Hảo (có xác nhận của UBND xã An Tây) cho mẹ là cụ Hồ Thị Hiệp thế chấp quyền sử dụng đất cho BIDV với diện tích 76 ngàn m2 bà Hảo được cấp chủ quyền năm 1997.

Tại tòa, người đại diện của bà Hảo cho biết năm 2008 bà Hảo không có mặt tại Việt Nam. Công văn của Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cũng xác định năm 2008 bà Hảo không nhập cảnh vào Việt Nam. Bà Hảo không ký bất cứ ủy quyền nào cho mẹ.  

Quá trình điều tra, Công an Bình Dương đã trưng cầu giám định với chữ ký tại giấy ủy quyền này, nhưng Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Bình Dương trả lời rằng “không đủ căn cứ để kết luận, cần trưng cầu cơ quan giám định cấp cao hơn”; nhưng chưa được thực hiện trưng cầu giám định. Do đó, cần tiếp tục trưng cầu giám định tại Bộ Công an với chữ ký này.  

Thứ hai, phần đất 9,7ha của bà Hảo; năm 2002 tách 2ha thế chấp tại Agirbank Thủ Đức; còn lại 7,7ha thế chấp BIDV Tây Sài Gòn. Năm 2013, cơ quan chức năng đo lại thì thực tế phần đất này chỉ còn 5,6ha, giảm hơn 2ha. Phần 5,6ha này, ông Hùng, ông Lộc xử lý thế chấp cho ông Khanh 2 lần; một lần 4,1ha; một lần 1,5ha. Quá trình điều tra vụ án công an xác định phần đất này vẫn còn sai số gần 1.700m2. Cần thu thập các chứng cứ để làm rõ sự tăng giảm diện tích đất này.

Thứ ba, với phần vốn góp của Nhà nước tại BIDV, hồ sơ thể hiện trước khi cổ phần hóa vào tháng 4/2012, BIDV là ngân hàng thương mại nhà nước 100% vốn nhà nước. Tại phiên tòa, đại diện BIDV xác định, từ tháng 4/2012 BIDV đã cổ phần hóa. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ liên quan đến phần vốn góp của BIDV qua từng giai đoạn.  

Thứ tư, tại phiên tòa, vợ chồng ông Khanh xác định sau khi nhận chuyển nhượng đất từ cụ Hiệp, đã đầu tư cải tạo đất, trồng cao su. HĐXX xét thấy việc xử lý hợp đồng chuyển nhượng khi giải quyết vụ án sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của vợ ông Khanh, là chủ đầu tư tài sản trên đất. Do vậy, cần điều tra làm rõ có hay không gia đình ông Khanh đã đầu tư, cải tạo, trồng cao su trên đất; nếu có thì đã đầu tư, cải tạo như thế nào; giá trị bao nhiêu?  

Thứ năm, tại phiên tòa, các bị cáo và người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho biết, cơ quan tố tụng có vi phạm trong kết luận định giá tài sản. HĐXX xét thấy cần phải giải quyết các khiếu nại liên quan đến kết luận định giá của Hội đồng định giá.

Luật sư: “Cần phải cho ông Khanh tại ngoại”

Trao đổi với PLVN, LS Nhân đánh giá: “Các vấn đề dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung, tôi thấy HĐXX đã có sự công tâm. Nhưng trong phiên tòa, các LS đưa ra đến 16 vấn đề về thẩm quyền điều tra, các vi phạm tố tụng, nội dung… Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị đến VKS, CQĐT những vấn đề cần phải điều tra làm rõ thêm”.

Về vấn đề chữ ký của bà Hảo tại giấy ủy quyền, LS Nhân nói: “Ngay từ ban đầu, chúng tôi xác định, lời khai của bà Hảo có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Điều đó đã xảy ra. CQĐT phải xác định cái gốc của sự việc là việc cụ Hiệp giả chữ ký, lấy đất của con gái để thế chấp ngân hàng có đúng hay không? Từ đó sẽ xác định được phần ngọn là vụ án ông Lộc, ông Hùng và ông Khanh đang là bị cáo, thiệt hại thật sự là bao nhiêu? Tôi cho rằng sự thật trong vụ này thiệt hại rất ít. Khi đó trách nhiệm của các bị cáo rất nhỏ”.  

“Một vấn đề khác, là thực tế tiếp tục giam giữ các bị cáo là quá nặng nề, quá nghiêm khắc. Tất cả các bị cáo đều có thân nhân tốt, có nơi ở rõ ràng, gia đình xin bảo lãnh. Theo tôi, các bị cáo cần phải được tại ngoại”.

“Đặc biệt là ông Khanh có đủ cơ sở pháp lý để được tại ngoại. Tôi và LS Nguyễn Văn Quynh vào trại giam nhiều lần, thấy quá trình bị tạm giam, ông Khanh bị tai biến. Trước khi bị bắt ông Khanh bị viêm tai giữa, phải uống thuốc thường xuyên. Do bị giam một năm, điều trị hạn chế nên bị lãng tai, việc nghe rất khó khăn.

Bị giam lâu ngày và ảnh hưởng của cao huyết áp, tai biến, nên chân ông Khanh rất yếu. Khi LS cùng chủ tọa vào gặp ông Khanh tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, chủ tọa đã thấy tình trạng sức khỏe ông Khanh không ổn định. Chủ tọa hỏi nguyện vọng thì ông Khanh xin được ngồi khi xét xử. Và thực tế trong gần hai tuần xét xử vừa qua, ông Khanh không thể đứng được”.

“Ông Khanh nguyên là một Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, một người có uy tín, có chỗ ở ổn định, có gia đình vợ con, thân nhân tốt, trong thời gian giữ các chức vụ đều nhận được giấy khen, bằng khen. Quá trình điều tra ông Khanh khai báo đầy đủ, cung cấp các hồ sơ liên quan và bị cáo buộc chỉ là “giúp sức”... Do đó, tôi thấy việc giam ông Khanh là không cần thiết. Chúng tôi sẽ kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền sớm thay đổi biện pháp ngăn chặn để ông Khanh có thể tại ngoại chữa bệnh”, LS Nhân nói

Vẫn lời LS Nhân: “Qua đây, tôi thay mặt gia đình ông Khanh và các LS đồng nghiệp, gửi lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí, nhất là Báo PLVN đã có loạt bài viết phản ánh trung thực, khách quan về vụ án. Với những chứng cứ, phân tích đã đưa ra, chúng tôi vẫn khẳng định theo quy định pháp luật, ông Khanh bị oan sai trong vụ này”.

Tin Cùng Chuyên Mục