Ngày pháp luật

Vốn vào bất động sản tăng cao, chuyên gia cảnh báo cần siết tín dụng để tránh đầu cơ "lướt sóng"

Cùng với việc siết tín dụng bất động sản, cơ quan chức năng cần đưa ra chế tài chặt chẽ để kiểm soát thị trường, đảm bảo sự công khai minh bạch trong ngành bất động sản, theo Savills.

1,85 triệu tỷ đồng cho vay bất động sản

Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 28/2, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020. Con số này cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cùng thời điểm (0,67%), tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Tỷ trọng tín dụng bất động sản chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế.

Trong cơ cấu tín dụng, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản đạt 651.631 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 35,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản và chiếm tỷ trọng 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,75% so với cuối năm ngoái, chiếm 64,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, chiếm tỷ trọng 12,79% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. 

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng sau tháng 3.
Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng sau tháng 3.

Ước tính trong 3 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 12/2020. Trong khi đó, quý I/2020 tăng 1,45%, quý I/2019 tăng 3,42% và quý I/2018 tăng 1,68%. NHNN cho rằng mức tăng này không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (2,93%).

Siết tín dụng bất động sản để kiểm soát đầu cơ "lướt sóng"

Tại buổi làm việc với NHNN hôm 19/4, sau khi nghe báo cáo về các vấn đề nóng của ngành như thao túng tiền tệ, tín dụng bất động sản, chứng khoán..., Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ.

Theo Thủ tướng, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn nhằm giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. NHNN cũng khẳng định trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản. 

Liên quan đến vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng việc siết tín dụng có thể được xem là một biện pháp để kiểm soát tình trạng đầu cơ "lướt sóng". Tuy nhiên các biện pháp đưa ra cần được xem xét cẩn thận bởi khi được áp dụng trên diện rộng, chúng chắc chắn tạo ra hiệu ứng với độ trễ nhất định trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang đạt tăng trưởng dương.

Theo chuyên gia Savills, các dự án được hỗ trợ về tín dụng của ngân hàng thường là nhóm dự án đã có nguồn hàng nhất định. Tại Hà Nội, các chỉ số về kinh tế hiện nay vẫn ở ngưỡng an toàn.

"Trong điều kiện hiện nay, các biện pháp vẫn cần đi từ cấp độ cảnh báo cho đến ngăn chặn hẳn sốt đất, nhằm hướng đến mục tiêu thị trường bền vững, ổn định. Đây sẽ là quyết định không chỉ tác động riêng tới lĩnh vực bất động sản mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác”, bà Hằng cho biết.

Việc siết tín dụng có thể được xem là một biện pháp để kiểm soát tình trạng đầu cơ lướt sóng.
Việc siết tín dụng có thể được xem là một biện pháp để kiểm soát tình trạng đầu cơ lướt sóng.

Cũng theo chuyên gia của Savills, trong nỗ lực kiểm soát sốt đất, Nhà nước có thể cân nhắc tới hai yếu tố quan trọng:

Thứ nhất, công bố đầy đủ chi tiết quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, cập nhật cụ thể tới người dân, để họ nắm được chính xác những khu vực nào chịu ảnh hưởng từ những quyết định của Nhà nước.

Thứ hai, đưa ra các chế tài chặt chẽ để kiểm soát thị trường và đảm bảo sự công khai minh bạch trong ngành bất động sản. Cụ thể, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ điều kiện pháp lý khi các chủ đầu tư tung bán sản phẩm ra thị trường, đồng thời phía chủ đầu tư cần hoàn thành các điều kiện pháp lý, đảm bảo người mua nhận nhà cùng các thiết bị và thông tin như cam kết.

Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang tồn tại vấn đề liên quan đến các cá nhân môi giới bất động sản không có bằng cấp và chứng chỉ hợp lệ khi họ tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có cơ quan xác định để lưu trữ các thông tin thiết thực như các giao dịch trên thị trường. Mặc dù giá mua bán hiện nay vẫn được ghi nhận nhưng những con số này không thực sự phản ánh giá giao dịch thực giữa người mua và người bán.

Ở bình diện rộng hơn, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills cho biết thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các loại giấy tờ. Ông Powell đề xuất hoạt động chuyển đổi số, tức là số hóa các giấy tờ đó vào một hệ thống quản lý chung mang tính quốc gia, và việc này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn. Biện pháp này góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu ở tầm quốc gia giúp kiểm soát các môi giới cố tình tung tin đồn và đẩy giá đất lên cao.

Ông Powell dẫn chứng ở một số khu vực như Anh hay Hong Kong, các môi giới phải có bằng cấp mới được hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Bởi vậy hoạt động thẩm định giá đất và những người làm công tác định giá đất cũng nên có bằng cấp nhất định (hoặc có tiêu chuẩn quốc tế) với kinh nghiệm dày dặn.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho Thuê Thương mại, Savills Hà Nội bổ sung, hiện tượng tăng giá đất vừa qua có thể khoanh vùng trong các giao dịch giữa các cá nhân và không ảnh hưởng quá nhiều tới quyết định của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Khi các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam, họ sẽ mất thời gian để quan sát và đánh giá thực tế, thông qua các hoạt động thẩm định giá cụ thể. Hoạt động mua đi bán lại các giao dịch thì không thể đánh giá được con số tăng về giá đất, mà phải dựa trên số liệu giao dịch của các dự án trước đây đang triển khai với giá bán và tốc độ bán xác định, theo bà Minh.

Hiện nay Việt Nam đang được đánh giá là thị trường tiềm năng, đặc biệt tại hà Nội, các khu vực xung quanh còn quỹ đất rất lớn vẫn chưa được khai thác do đó khi triển khai và dự kiến giới thiệu dự án trong tương lai, nhà đầu tư sẽ cân nhắc về nguồn cung của thị trường tại thời điểm đó là bao nhiêu, chuyên gia của Savills cho biết. 

Tin Cùng Chuyên Mục