Sự xáo trộn tạo ra bởi Volkswagen khi đó sẽ ở quy mô và số lượng chưa từng có tiền lệ trong làng xe toàn cầu. Theo tờ Automobile, VW sẽ giới thiệu ít nhất 70 dòng xe điện mới từ nay tới 2028 thay vì chỉ 50 như tuyên bố trước đó. Tính tới 2025, họ sẽ đầu tư ít nhất 30 tỉ euro vào lĩnh vực này để tăng sản lượng xe điện lên hàng chục triệu xe mỗi năm.
Để tạo khoản vốn khổng lồ cần có cho dự án này, hàng loạt các thương hiệu con của Volkswagen có thể sẽ bị đào thải, bán lại cho các tập đoàn khác trên thế giới như PSA của Pháp hay BMW. Đây là một trong 3 chiến lược cắt giảm chi phí mà VW đề ra, 2 phương án còn lại lần lượt là tái cơ cấu mạng lưới sản xuất toàn cầu và chia sẻ chung công nghệ cốt lõi.
Ngay từ hiện tại công đoàn Volkswagen đã bắt đầu lên kế hoạch phản đối chiến lược này khiến nội bộ tập đoàn Đức nổi sóng ngầm. Dù vậy, họ phải thừa nhận là Volkswagen hiện tại có quá nhiều vị trí thừa, hoạt động thiếu hiệu quả và sáng tạo. Thêm vào đó, nhân sự ở các mảng phần mềm, tiếp thị công nghệ và cấu trúc điện tử tại VW bị quá tải do thiếu người đủ khả năng.
Những thương hiệu chắc chắn được tập đoàn Đức giữ lại chỉ có 3 là Volkswagen, Audi và Porsche nhờ tình hình kinh doanh khả quan hiện tại. Số còn lại sẽ bị bán đi, sát nhập hoặc tái cơ cấu sang mảng kinh doanh mới, bao gồm Bugatti, Bentley, Lamborghini, Italdesign và Ducati.
Trong số những cái tên trên, đáng ngạc nhiên là Bentley đang là điểm yếu nhất khi nhiều chuyên gia đánh giá là sở hữu các giá trị lỗi thời, thiết kế cũ và nền tảng cơ khí không có gì đặc biệt.
Số tiền thu được khi loại bỏ các thương hiệu không mang lại nhiều lợi nhuận (thậm chí còn lỗ) sẽ được Volkswagen tái đầu tư để mở thêm một thương hiệu mới thuần xe điện đô thị.