Ngày pháp luật

Vĩnh Phúc: Những bước tiến vượt thời gian

Hương Giang

25 năm qua, từ một tỉnh nghèo, với tổng thu ngân sách chỉ hơn 100 tỷ/năm và thu nhập bình quân khoảng hơn 02 triệu đồng (140 USD)/người/năm, xếp hạng 57 trên 61 tỉnh/thành. Kể từ khi tái lập tỉnh mới (ngày 01/01/1997), với đường lối, chủ trương mới, đặc biệt là chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Vĩnh Phúc đã “lột xác” trở thành một tỉnh mạnh về kinh tế, vững về chính trị…

25 năm một chặng đường…

Trước vô vàn khó khăn, ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: Ban lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc xác định mục tiêu: Trước hết phải “xóa đói”, sau đó tiếp tục “giảm nghèo”, dần dần nâng cao thu nhập, mức sống của người dân. Muốn vậy, chỉ có hướng đi duy nhất là phát triển công nghiệp – CN (cơ cấu kinh tế lúc đó của tỉnh chủ yếu là nông nghiệp), lấy CN là nền tảng. Bởi chỉ có CN với năng suất lao động và hàm lượng giá trị gia tăng mới làm thay đổi diện mạo của tỉnh nhà, nâng cao đời sống của người dân.

Lấy CN làm nền tảng nhưng ai sẽ làm CN? Lấy tiền ở đâu làm CN? Kinh nghiệm ở đâu và khoa học công nghệ ở đâu để làm CN là những dấu hỏi lớn đối với Ban lãnh đạo địa phương. Để làm được điều này phải đi cùng những người khổng lồ, lợi dụng họ và đứng trên vai họ: Đó chính là thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn. Xuất phát từ suy nghĩ này, một loạt các chiến lược thu hút đầu tư đã được Vĩnh Phúc đưa ra bàn bạc, thảo luận…

Vĩnh Phúc: Những bước tiến vượt thời gian - Ảnh 1

Chia sẻ về hành trình phát triển đầy khó khăn của mình, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Đầu tiên, chúng tôi phải tìm ra ai là người sản xuất ô tô, xe máy? Ai sản xuất ra gạch ốp lát và những thứ người dân Vĩnh Phúc đang cần? Khi đã tìm được họ rồi phải tạo mọi điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng để thu hút họ đầu tư. Cùng với đó là nguồn lao động, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị địa phương. 05 nhiệm kỳ qua chúng tôi luôn xác định mục tiêu, quan điểm, con đường nhất quán đó. Quan trọng nhất là sự quyết tâm của hệ thống chính quyền nhân dân các cấp. Quyết tâm thay đổi, quyết tâm đổi mới, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính để cải thiện diện mạo, sắc vóc của tỉnh nhà”.

Sau khi có chủ trương, 01, 02, 03 doanh nghiệp (DN), rồi cả hệ thống DN bắt tay vào đầu tư làm thay đổi bộ mặt của Vĩnh Phúc, chủ yếu là DN đầu tư nước ngoài. “Có lẽ, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh cơ cấu kinh tế có tới 80% DN đầu tư từ nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng: Cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào DN đầu tư nước ngoài là không tốt nhưng thực chất đó không phải là con đường cuối cùng mà địa phương lựa chọn, là phương tiện, là bước đệm để thay đổi đời sống của người dân chứ không phải làm giàu cho DN nước ngoài!” – lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Vĩnh Phúc: Những bước tiến vượt thời gian - Ảnh 2

Thời gian tiếp theo chiến lược dần thay đổi từ việc thu hút lao động vào các DN sử dụng nhiều lao động để tận dụng lao động nông nhàn. Từ thu nhập chỉ 01 - 02 triệu/tháng, thu nhập của người dân tăng dần lên 08 - 10 triệu/tháng. Cho đến thời điểm này, Vĩnh Phúc từ một tỉnh sống trợ cấp từ Nhà nước trở thành một trong 10 tỉnh/thành có tăng trưởng cao, đóng góp cho ngân sách Trung ương. Quy mô nền kinh tế nằm trong 10 tỉnh cao nhất; Tỉnh nằm trong nhóm có tỷ lệ điều tiết cao nhất; Thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 5.000 USD/người/năm (bình quân của cả nước là 3.000 USD/người/năm). Từ tổng thu ngân sách chỉ hơn 100 tỷ/năm, Vĩnh Phúc đã vươn lên mức 35.000 tỷ/năm, sau hơn hai thập kỷ; CN từ mức 12 - 13%, giờ chiếm tới hơn 63%; Thương mại – du lịch chiếm hơn 30%; Nông nghiệp chỉ còn 9%.  Có thể nói đây là bước đột phá của tỉnh nhà, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi vượt bậc” – ông Lê Duy Thành phấn khởi chia sẻ.

Để có được sự thay đổi lớn lao trên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Điều đầu tiên là Vĩnh Phúc đã có một định hướng đúng. Trước hết phải xác định mình là ai và mình đang ở đâu? Khó khăn của mình là gì? Chỉ khi nào xác định đúng các vấn đề đó chúng ta mới có thể giải quyết được các khó khăn thực tế để thay đổi. Khó khăn của Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Người dân cần cù, chịu khó nhưng không có kinh nghiệm và chỉ biết làm ruộng. Muốn thay đổi họ thì phải thay đổi cái gì? Ai là người dẫn dắt họ? Tiếp theo là có một định hướng đúng, đó là xác định phải xóa đói, giảm nghèo, quyết tâm thay đổi của hệ thống chính trị. Nhưng làm thế nào thì phải lấy CN làm nền tảng, phải bắt tay với các ông lớn, các tập đoàn đa quốc gia, những người có kinh nghiệm, làm  ra các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu. Có đi cùng họ, chúng ta mới có được ngay hôm nay. Bước tiếp theo là phải khai thác được những nguồn lực mà chúng ta hiện có. Đó là đất đai, tài nguyên, con người...

Ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Đột phá về văn hóa, y tế và giáo dục!

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Trong các vấn đề tác động, làm thay đổi diện mạo của tỉnh chính là các Nghị quyết, định hướng đúng đắn. Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ VII của tỉnh có một sự thay đổi căn bản. Thực tế, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, nhưng chúng ta phải đánh giá lại thực trạng, con đường đi vừa qua, xem những phương pháp mà chúng ta đã sử dụng có còn phù hợp không? 05 năm tới, 10 năm tới, 20 năm tới sẽ như thế nào? Trong điều kiện chuyển đổi số, thế giới phẳng, cả thế giới đã thay đổi mà chúng ta cứ xóa đói, giảm nghèo, áp dụng mãi các phương pháp cũ liệu có phù hợp?

Điều đó bắt buộc Vĩnh Phúc phải thay đổi. Và thay đổi lớn nhất là Nghị quyết vừa qua đã quán triệt: Vẫn kiên định con đường lấy CN là nên tảng, bởi không có CN không thể phát triển. Bên cạnh thu hút đầu tư từ nước ngoài phải tính đến các DN nhỏ và vừa, tạo điều kiện về đất đai, chính sách cho các DN này phát triển. Một trong những việc trọng tâm là gắn kết các DN đầu tư nước ngoài với các DN nhỏ và vừa tạo nên một chuỗi liên kết. Mặt khác, 25 năm qua Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển rất xa về kinh tế nhưng quay trở lại, địa phương đứng ở một vị trí “khiêm tốn” về giáo dục, văn hóa, y tế. Trong khi đó, Nghị quyết nhấn mạnh: Cái tạo nên sức mạnh của một địa phương, dân tộc lại chính là văn hóa. Văn hóa làm cho địa phương đó được nhiều người biết đến hay không…

Vĩnh Phúc: Những bước tiến vượt thời gian - Ảnh 3

Từ thực tế này, một mặt Vĩnh Phúc vẫn tập trung phát triển CN nhưng quan tâm hơn đến việc phát triển giáo dục, y tế, văn hóa. Về y tế, ngay sau Đại hội, Vĩnh Phúc giao ngay cho các đơn vị phải thực hiện tự chủ. Vì chỉ khi nào họ vươn ra tự chủ, họ mới tự chịu trách nhiệm, tự họ phải thay đổi phương thức phục vụ, thái độ phục vụ, văn hóa ứng xử, nếu không sẽ không có bệnh nhân đến. Khi tự chủ, người dân sẽ được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn; Giảm được khối lượng đáng kể về ngân sách, biên chế từ ngân sách. Về giáo dục, tỉnh hướng tới việc thay đổi tư duy cũng như phương thức tiếp cận. Cụ thể, các trường phải thay đổi tư duy, cách làm và phải thu hút đầu tư từ bên ngoài. Đó là lý do vì sao thời gian qua, qua các buổi xúc tiến thương mại, các lãnh đạo tỉnh nhà dày công nghiên cứu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm đầu tư giáo dục từ các quốc gia: Malaysia, Singapore…

Về văn hóa, Vĩnh Phúc xác định văn hóa phải là một cái gì đó giá trị hiện hữu, bất biến, thậm chí là một món hàng để ta có thể xâu nó ra nhằm thu hút đầu tư du lịch. “Thay đổi lớn nhất trong Nghị quyết Đại hội vừa qua của tỉnh nhà chính là mạnh dạn coi văn hóa, giáo dục là một ngành kinh tế. Chỉ cần thay đổi các lĩnh vực này một chút sẽ thay đổi về kinh tế. VD: Chỉ cần quan tâm, tu bổ, quảng bá, nâng cao giá trị văn hóa về Đồng Đậu, văn hóa thờ Mẫu, hay nền văn minh ở Tam Đảo chắc chắn sẽ làm thay đổi cơ cấu về kinh tế, thậm chí GDP của của tỉnh” – ông Lê Duy Thành khẳng định.

Thực tế đã chứng minh sự quan tâm, định hướng chiến lược và các bước đi của Vĩnh Phúc là hoàn toàn đúng đắn. Thành công đầu tiên phải kể đến là mô hình Trường liên cấp Newton. Đây là trường liên cấp chất lượng quốc tế, dự kiến khi đưa vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 100 học sinh, nhưng thực tế có đến hơn 500 học sinh đang theo học, trong khi đó điều kiện dự tuyển rất khắt khe. Chưa biết sẽ thu được ngân sách bao nhiêu khi cho phép mở trường này nhưng rõ ràng, nếu 500 học sinh kia được đào tạo tại môi trường đó, không những các em được hưởng một môi trường chất lượng chuẩn mà Nhà nước cũng đỡ tốn tiền để xây dựng một ngôi trường, không phải trả lương cho khoảng 40 - 50 giáo viên. Ngoài ra, tất cả các con em theo học ở đó không phải bỏ ra một khoản tiền lớn để xuống Hà Nội học ở các trường tốt. Đó là “cái được” mà Ban lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn có khi quyết định đưa mô hình này vào triển khai.

Trong lĩnh vực văn hóa, Vĩnh Phúc đã có những đột phá nhờ việc khai thác những lợi thế, tiềm năng mà tỉnh nhà đang có. Tam Đảo là một thực thể sinh động, quý giá. Không có nơi nào xanh như Tam Đảo cũng như ít điểm du lịch có nhiều cái lạ như địa danh này, từ cảnh sắc thiên nhiên đến điều kiện ưu đãi về khí hậu, cơ sở hạ tầng… Và lượng khách đến thăm quan, du lịch gia tăng đột biến tại địa danh này là minh chứng hùng hồn cho sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực văn hóa – du lịch của tỉnh nhà.

Tin Cùng Chuyên Mục