Mới đây, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã CK: VHC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, nhất trí thông qua các nghị quyết và phương hướng hoạt động trong năm 2022.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT cho biết trong năm 2021 dù gặp khó khăn bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Vĩnh Hoàn vẫn ghi nhận doanh thu đạt 9.054 tỷ đồng, vượt 5% so với kế hoạch đề ra, tăng 26,3% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.099 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước đó.
Với kết quả kinh doanh này, ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, đã tạm ứng đủ.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, HĐQT đã trình lên Đại hội đồng cổ đông kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 46% so với thực hiện năm 2022. Kế hoạch chia cổ tức 20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
Phương hướng kinh doanh năm 2022 của ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn sẽ tập trung giải ngân cho dự án nhà máy thức ăn thủy sản với số tiền 333 tỷ đồng; trại nuôi cá giống và nhà máy Sa Giang 3; cải tạo nhà máy chế biến cá với 198 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty cũng dự kiến đầu tư thêm 1.530 tỷ đồng cho các hạng mục:
- Đầu tư xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi: 100 tỷ đồng.
- Xây dựng xưởng chế biến bột cá, mỡ cá và cải tạo nhà máy tại công ty Thanh Bình: 350 tỷ đồng.
- Đầu tư 1 line sản xuất Collagen và R&D nhà máy Vĩnh Hoàn Collagen: 150 tỷ đồng.
- Đầu tư nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc: 500 tỷ đồng
- Mở rộng vùng chăn nuôi: 280 tỷ đồng
- Cải tạo nhà áy Vĩnh Phước, Vĩnh Hoàn, Sa Giang : 159 tỷ đồng.
Với các khoản đầu tư trên, Vĩnh Hoàn dự kiến đây sẽ là các dự án chiến lược trong gian đoạn 2021-2025, giúp Vĩnh Hoàn tập trung vào 4 lĩnh vực chính là Vinh Foods, Vinh Wellness, Vinh Agriculture, Vinh Techonology.
Trong buổi họp Đại hội đồng cổ đông, ban lãnh đạo của Vĩnh Hoàn cũng đã trả lời một số thắc mắc của cổ đông về chiến lược kinh doanh cũng như các kế hoạch dài hạn của công ty.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT cho biết, doanh số chính của VHC đến từ sản phẩm cá phi lê và các sản phẩm khác như collagen, gelatin nhưng các sản phẩm này dù có biên lợi nhuận tốt nhưng tỷ trọng doanh thu lại thấp. Công ty đang có kế hoạch đẩy mạnh các mảng sản phẩm mang lại biên lợi nhuận cao hơn.
Đồng thời, công ty cũng dự định chủ động tự cung cấp nguồn nguyên liệu tới 70% nhằm giúp tăng trưởng và bảo vệ biên lợi nhuận 21% đã đạt trong năm 2021.
Về dự án nhà máy Sa Giang 3, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún khô, miến khô đã được tăng công suất lên gấp 2,5 lần, công ty đang dự kiến nâng tầm thương hiệu để tạo doanh số và biên lợi nhuận tốt hơn cho sản phẩm.
Về thị trường tiềm năng, ban lãnh đạo cho rằng các thị trường Châu Âu đang trên đà hồi phục, thị trường Trung Quốc sẽ tăng trưởng dương nhưng khó khăn hơn các năm trước do rào cản dịch bệnh. Ở châu Âu, Vĩnh Hoàn có lợi thế nhờ thuế nhập khẩu đang giảm từ 5,5% về 0%. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine cũng đã tác động khiến đơn hàng tăng cao từ khối châu Âu.
Ban lãnh đạo cũng chia sẻ hướng đi mới với việc đầu tư phân xưởng làm sushi cho thị trường Nhật tại nhà áy Vĩnh Phước. Các nhân sự của công ty đang được rèn luyện tay nghề để hướng tới sản xuát các sản phẩm ăn liền không chỉ từ cá tra mà từ cả cá hồi.