Theo Trí thức trẻ, năm 2016, Vinamilk phải chi ra 2.074 tỉ đồng, tương đương trung bình 5,6 tỉ đồng để quảng cáo thương hiệu của mình đến đông đảo người tiêu dùng.
Mục tiêu quan trọng nhất mà Vinamilk đặt ra, đó là các sản phẩm của họ phải liên tục xuất hiện trước mắt người tiêu dùng. Mọi người sẽ gặp hình ảnh con bò cười của Vinamilk ở bất kì kênh quảng cáo nào, từ TV, Youtube cho đến Facebook.
Vào ngày 22/2/2017, doanh nghiệp sữa Vinamilk bất ngờ nhận công văn đặc biệt từ Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử với yêu cầu giải trình việc quảng cáo của Vinamilk gắn vào những video có nội dung độc hại và bạo lực trên Youtube.
Chia sẻ trên Trí thức trẻ, ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Marketing của Vinamilk chia sẻ rằng, quảng cáo là hoạt động thường xuyên của Vinamilk và họ luôn đặt tiêu chí truyền thông tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Việc Vinamilk để hình ảnh của mình xuất hiện trong những video Youtube không phù hợp thì có nguyên nhân, bởi hãng sữa này kí hợp đồng thông qua một đối tác trung gian là WPP (Mediacom), không phải trực tiếp với Youtube.
Ông Phan Minh Tiến cũng chia sẻ thêm rằng việc gắn các phim quảng cáo của Vinamilk vào các clip có bạo lực hay phản cảm của Youtube là hoàn toàn trái với cam kết trong hợp đồng kí hết giữa Vinamilk và Mediacom.
Đồng thời, phía đại diện Vinamilk nhấn mạnh sẽ tạm đình chỉ các kế hoạch quảng cáo trên Youtube cho đến khi WPP (Mediacom) và Youtube có biện pháp khắc phục, đảm bảo tuân thủ hoàn toàn pháp luật Việt Nam.
Cũng theo Tri thức trẻ, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, nhiều nhãn hàng lớn tại Việt Nam đang chạy quảng cáo trên những video có nội dung phản cảm bạo lực, tuyên truyền thông tin lệch lạc trên Youtube.
Những nhãn hàng này bao gồm cực kì đa dạng, từ tã giấy cho tới dầu gội đầu, và là những công ty có chính sách quảng cáo liên tục trên nhiều kênh truyền thông.
Vinamilk phải ngưng lại các hoạt động quảng cáo trên Youtube do sai phạm quảng cáo trên clip phản cảm, bạo lực - Ảnh: CafeF.
Các doanh nghiệp này ít nhiều đều sẽ phải chịu ảnh hưởng từ những quảng cáo sai phạm. Đơn cử như Vinamilk đã phải tạm ngừng mọi kế hoạch quảng cáo trên Youtube cho tới khi yêu cầu ngưng các quản cáo trên clip phản cảm và bạo lực của Cơ quan Nhà nước được thực thi.