Giá trị bồi thường tuỳ thuộc vào kết quả giải quyết tranh chấp
Như đã đưa tin, vào cuối tháng 12/2023, Công ty TNHH Thương mại và vận tải Phương Anh thuê hãng tàu Vinafco vận chuyển 15 container (chứa 45 xe ô tô: 29 xe điện, 16 xe xăng) từ cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) đi cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh).
Khi đến vùng biển Quảng Nam gặp phải thời tiết xấu, biển động mạnh, làm con tàu lắc ngang, khiến 37 thùng container rơi xuống biển, mất tích. Thiệt hại do vụ tổn thất (42 xe mất tích, 3 xe hư hỏng) của Công ty Phương Anh là gần 39 tỷ đồng, gồm 37 tỷ đồng thiệt hại hàng hóa và 1,5 tỷ đồng lãi chậm trả 6 tháng liên quan đến hàng hóa.
Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh đã có đơn khởi kiện hãng tàu Vinafco ra Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, đòi bồi thường.
Ngày 28/6/2024, TAND TP Hải Phòng ra Quyết định số 01/2024/QĐ-BGTB yêu cầu Cảng vụ Hải Phòng thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển tên Morning Vinafco (số hiệu IMO 9146780, quốc tịch Việt Nam, chủ tàu là Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco).
Liên quan đến vụ việc trên, trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã được kiểm toán năm 2024 của Công ty cổ phần Vinafco (mã ck: VFC - công ty mẹ sở hữu trên 90% vốn của Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco), Công ty TNHH Kiểm toán AASC - đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Vinafco nêu vấn đề cần nhấn mạnh. Cụ thể, vào ngày 22/12/2023, tàu biển Morning Vinafco mang số hiệu 715HD/HS thuộc quản lý bởi Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinafco (gọi tắt là VTB Vinafco - là công ty con do Công ty cổ phần Vinafco sở hữu 90,12% vốn), đang lưu hành trên tuyến HPH-ĐNA-HCM gặp sự số rơi 37 container xuống biển do thời tiết xấu.
"Hiện nay, VTB Vinafco vẫn tiếp tục phối hợp cùng các chủ hàng, công ty bảo hiểm và các cơ quan chức năng để giải quyết sự cố trên theo trình tự thủ tục và pháp luật hiện hành. Theo đó, giá trị bồi thường Công ty có thể phải gánh chịu sẽ còn tùy thuộc vào kết quả giải quyết tranh chấp của cơ quan có thẩm quyền”, hãng Kiểm toán AASC nêu trong báo cáo soát xét thông tin tài chính giữa niên độ của Vinafco.
Lãi sau thuế nửa đầu năm 2024 giảm mạnh 90,5%
Về kết quả kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, VFC ghi nhận doanh thu thuần đạt 564 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu, doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải đạt 498 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ kho bãi và cho thuê văn phòng đạt 65,9 tỷ đồng, đều thấp hơn so với nửa đầu năm 2023.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Vinafco đạt 28,3 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động tài chính 'sụt' 35%, lùi về mức 10,3 tỷ đồng. Cùng lúc đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 9,8%, về mức 26,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, Vinafco không ghi nhận chi phí bán hàng cả trong nửa đầu năm nay và năm ngoái.
Kết quả là, Vinafco báo lãi sau thuế giảm mạnh 90,5% so với con số 29,5 tỷ đồng ghi nhận nửa đầu năm trước, chỉ đạt vỏn vẹn 2,8 tỷ đồng.
Tính đến 30/06/2024, tổng tài sản của Vinafco đạt 1.001 tỉ đồng, giảm 6,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tiền tương đương tiền đạt 59,8 tỷ đồng, tăng so với con số 41,7 tỷ đồng hồi đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn lùi về 243,2 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn ghi nhận tại 37,4 tỷ đồng, đều giảm so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho trong nửa đầu năm 2024 giảm mạnh 35,9% xuống còn 12,5 tỷ đồng chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu (dầu…) với 10,7 tỷ đồng.
Ngày 30/6/2024, tổng nợ phải trả của Vinafco ở mức 304,9 tỷ đồng, giảm 12,9% so với thời điểm đầu năm. Chiếm phần lớn trong nợ ngắn hạn (282,4 tỷ đồng) là phải trả cho người bán ngắn hạn với 165,7 tỷ đồng, giảm 24,8%. Nợ vay tài chính ngắn hạn ghi nhận mức tăng từ 47,7 tỷ đồng hồi đầu năm lên 60,9 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nợ dài hạn giảm nhẹ so với đầu năm, vay nợ thuê tài chính dài hạn ghi nhận tại mức 5,2 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II/2024 đạt 696,8 tỷ đồng, giảm 3,5% so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 255,1 tỷ đồng.