Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tổ chức ngày 19/4, ban điều hành Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) đã trình cổ đông kế hoạch mở thêm hơn 20 đường bay quốc tế, chuyên chở 27,7 triệu lượt khách, tăng 20% so với năm trước. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu vận tải hàng không lên 42.250 tỷ đồng và lợi nhuận vận tải hàng không là 3.800 tỷ đồng.
Vietjet đặt trọng tâm vào việc mở rộng các đường bay quốc tế, tăng cường doanh thu ngoại tệ từ bán vé dựa trên lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước, cũng như tăng tỷ trọng doanh thu các mặt hàng phụ trợ vốn có tỷ suất lợi nhuận cao từ phân khúc khách hàng có thu nhập cao.
Vietjet cũng đề ra mục tiêu tiếp tục tăng trưởng thị phần nội địa, tiết giảm 5,5% tổng chi phí trên mỗi giờ bay; tổ chức công tác tài chính tàu bay hiệu quả, thu nhập từ việc kinh doanh tàu bay là 100 triệu USD; quản lý có hiệu quả các công ty thành viên…
Vietjet dự kiến tăng đội tàu bay từ 64 lên 76. Mục tiêu doanh thu hợp nhất tăng 9% lên 58.393 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 7% lên mức 6.219 tỷ đồng trong năm 2019.
Theo Phó tổng giám đốc Vietjet Trần Hoài Nam một tàu bay sở hữu rẻ hơn 1 triệu USD so với đi thuê. Tuy nhiên, việc sở hữu tàu bay phụ thuộc nhiều yếu tố tài chính.
“Vietjet đang sở hữu 1 tàu bay và 5 tàu bay theo hình thức thuê sở hữu”, ông Trần Hoài Nam nói.
Ông Trần Hoài Nam chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng đội tàu bay:“Công ty có kế hoạch sở hữu thêm 3-5 tàu bay, đồng thời vẫn tập trung bán và thuê lại máy báy (SLB) để tăng trưởng đội tàu bay. Nguồn vốn để để có tài chính tăng thêm đội tàu bay là phát triển trái phiếu hay phương án khác”.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về triển vọng của ngành hàng không, giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh nói: "Dư địa phát triển của ngành hàng không là rất nhiều trong 5-20 năm nữa. Nhu cầu thị trường nội địa ngày càng cao nhờ sự thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Với mảng quốc tế, Vietjet phủ sóng nhiều nơi, thị trường này cũng không giới hạn".
Ông Lưu Đức Khánh cho biết, Vietjet đang làm việc với bộ ngoại giao các nước để thủ tục xuất nhập cảnh dễ dàng hơn, khi đó nhu cầu đi lại sẽ tăng trưởng cao hơn nữa.
Ngoài ra, theo ông Lưu Đức Khánh cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam sẽ khiến du lịch được hưởng lợi và ngành hàng không có lợi thế nhất.
"Tóm lại, dư địa của ngành rất lớn, cả mảng nội địa và quốc tế. Việc cần làm của Vietjet là quản lý hoạt động hiệu quả hơn, tiết giảm chi phí và tăng doanh thu để mang lại hiệu quả cao nhất cho cổ đông", ông Lưu Đức Khánh nhấn mạnh.