Tại hội thảo mới đây về logistics trong xuất khẩu nông sản, ông Đỗ Xuân Quang, Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho biết đơn vị này đang có phương án xây dựng đội ngũ máy bay bay thẳng chuyên chở hàng hóa. Dự kiến, ngày 2/9 tới sẽ mở đường bay thẳng chuyên chở nông sản từ Việt Nam sang Mỹ, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục khai thác đường bay sang EU. Theo ông, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19, dịch vụ vận tải hành khách ở các đường bay quốc tế hạn chế.
Ông Quang cho rằng, việc đưa xoài, bưởi, chanh dây đến châu Âu, Mỹ có một thực tế là cước vận chuyển của Việt Nam quá cao so với thế giới, có khi còn cao hơn giá trị hàng hóa. Ví dụ, 1kg thanh long giá xuất khẩu 3 USD nhưng cước phí vận chuyển sang Mỹ đã là 7 USD/kg, điều này sẽ khiến sản phẩm khó cạnh tranh.
Theo ông Quang, thống kê chi phí logistics trong sản xuất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam lên đến 40%, quá cao so với nhiều nước. Hiện, hàng hóa nông sản vận chuyển qua đường hàng không chiếm 25% tổng sản lượng xuất khẩu, chủ yếu hàng có giá trị cao, nhạy cảm với thời gian như trái cây, rau quả...
Lãnh đạo Vietjet Air cho rằng, phí vận chuyển hàng không cao là do chưa có đường bay thẳng chuyên chở hàng hóa đi Mỹ, châu Âu. Thứ hai là chưa có máy bay chuyên chở hàng hóa mà chỉ tận dụng buồng máy bay chở khách nên hạn chế việc bảo quản. Ngoài ra, do những rào cản về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nên nhiều khi máy bay chở hàng phải trống một chiều.
"Chúng tôi đã mở đường bay thẳng từ TP HCM đi New Delhi (Ấn Độ) và có làm việc với tham tán thương mại đề xuất đưa một số nông sản của Ấn Độ vào Việt Nam". Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam lại chưa cho nhập theo chiều ngược lại nên máy bay phải trở về không, gây lãng phí.
Ông Quang nêu một thực tế, đó là 90% sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài là do các hãng hàng không nước ngoài chuyên chở. Hàng không trong nước chỉ chiếm 10% là một con số quá thấp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá cao nếu Vietjet mở đường bay thẳng chuyên chở nông sản từ Việt Nam sang Mỹ. Ông nêu quan điểm, nông sản Việt Nam có nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là xuất khẩu nhưng gặp phải chi phí bảo quản, vận chuyển cao nên giá trị chưa cạnh tranh với nhiều quốc gia khác.
Theo ông Nguyễn Duy Minh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của một số chuỗi cung ứng hiện còn ở mức cao, khiến giá thành sản xuất của nông sản Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Cụ thể, chi phí logistics của sản phẩm hải sản chiếm 12,1% giá thành sản xuất, con số này với mặt hàng gạo lên tới 29,8%, rau quả 29,5%. Điều này khiến nông sản Việt Nam gặp đối thủ Thái Lan đều bị lép vế hơn.