Ngày pháp luật

Viết tiếp “nghi án lừa đảo bằng đánh tráo “sổ đỏ”: Không loại trừ trường hợp có đồng phạm

Phi Hùng

Chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân cần cẩn trọng khi thực hiện hành vi chuyển nhượng đất. Chuyên gia pháp lý nhận định không loại trừ trường hợp có đồng phạm nên Cơ quan điều tra cần sớm tìm ra người đánh tráo “sổ đỏ” để làm rõ có đường đây lừa đảo hay không?

“Sổ đỏ” bị đánh tráo như thế nào? 

Theo tìm hiểu, trước khi vụ việc xảy ra tại Văn phòng Công chứng (VPCC) miền Bắc, “sổ đỏ” thửa đất được ông Nguyễn Quang Hùng, chủ sử dụng thửa đất ủy quyền cho ông Phạm Văn Hưng, đại diện Văn phòng môi giới nhà đất Hưng Anh (Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) giữ. Việc giữ “sổ đỏ” là để ông Hưng thay mặt chủ đất thực hiện rao bán, đưa khách xem thửa đất, nhận đặt cọc. 

Trao đổi với PV, ông Hưng cho rằng đã theo nghề môi giới, đầu tư bất động sản (BĐS) mười mấy năm nhưng đây là lần đầu tiên bị kẻ gian vượt mặt bằng thủ đoạn tinh vi. Ông kể lại: Sau khi rao bán thửa đất trên một số trang mạng, vài ngày sau có một đối tượng liên lạc với ông nói muốn gặp trực tiếp trao đổi để mua. Sau đó, đối tượng đi một mình đến nhà riêng của ông ở Pháp Vân để xem “sổ đỏ” gốc. Lúc đó, do sổ gốc đang để ở công ty nên ông từ chối đề nghị trên. 

Viết tiếp “nghi án lừa đảo bằng đánh tráo “sổ đỏ”: Không loại trừ trường hợp có đồng phạm - Ảnh 1
Các giấy tờ kẻ gian làm giả đang được lưu tại Văn phòng Công chứng miền Bắc.

Cũng theo lời người môi giới, sau đó đối tượng liên lạc lại nói là “người thật, việc thật” muốn mua nên đề nghị ông Hưng chụp lại “sổ đỏ” để kiểm tra quy hoạch, xem có tranh chấp, khiếu kiện gì không. Ông Hưng đồng ý gửi và đối tượng hẹn 18h cùng ngày có mặt ở mảnh đất xem đất, đặt cọc. 

“Do tắc đường nên đến 19h30 hai bên mới gặp nhau. Lúc ở thửa đất, đối tượng còn lấy thước dây ra bảo tôi đo hiện trạng cùng. Sau một lúc tính toán đối tượng đặt cọc, đồng thời hẹn ra Tết làm hợp đồng công chứng và trả tiền. Tuy nhiên, đến thời hạn giao dịch, người này không thấy đến và điện thoại cũng không liên lạc được”, ông Hưng nhớ lại.

Theo ông Hưng, lúc đặt cọc đối tượng đưa 150 triệu tiền mặt, ông Hưng bật cốp xe lên để lấy giấy tờ và “sổ đỏ” gốc ra để viết giấy nhận đặt cọc. “Có thể lợi dụng thời điểm trời tối, lúc tôi đang kiểm tiền, đối tượng đã đánh tráo “sổ đỏ” gốc bằng một “sổ đỏ” được làm giả và giấu từ trong người từ trước đó”, ông Hưng đặt giả thiết.   

“Chiêu thức” lừa đảo mới?

Liên quan tới giao dịch giữa bà Nguyễn Thị Vân và đối tượng mạo danh thực hiện tại VPCC miền Bắc, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng VPCC cho biết, tại thời điểm công chứng, các giấy tờ bên bán (đối tượng mạo danh) đưa ra cho công chứng viên đều là bản gốc, thậm chí kiểm tra vân tay trên căn cước công dân và vân tay của đối tượng thì trùng khớp. 

PV hỏi camera của văn phòng có lưu lại hình ảnh đối tượng mạo danh đến giao dịch ngày hôm đó cùng người mua không? Ông Linh nói rằng các file này hiện không còn do camera của văn phòng chỉ lưu được thời gian ngắn nên đã bị chèn và xóa mất.

Phân tích về tính pháp lý của vụ việc, Luật sư (LS) Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng: Theo quy định của pháp luật, VPCC phải chịu trách nhiệm khi có lỗi, lỗi này ảnh hưởng trực tiếp, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. VPCC nếu vi phạm quy định Luật Công chứng thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật. Còn với công chứng viên vi phạm quy định của Luật Công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Vụ việc này có đủ cơ sở để Cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố vụ án hình sự chưa? LS Từ cho rằng, vụ việc có một số dấu hiệu như: Có yếu tố gian dối, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, có dấu hiệu giả mạo giấy tờ. Với các đặc điểm đó nên vụ này có dấu hiệu tội phạm. “Một trong những vấn đề mấu chốt là phải tìm ra người đánh tráo “sổ đỏ”, có như vậy mới có cơ sở làm sáng tỏ các giả thiết, các “điểm mờ” của vụ việc”, LS Từ nêu quan điểm.

Nếu đối tượng đánh tráo “sổ đỏ” và đối tượng mang “sổ đỏ” và làm giả giấy tờ để thực hiện việc chuyển nhượng tại VPCC không phải là một người thì việc chứng minh tội phạm từ phía CQĐT có gặp khó khăn không? LS Từ cho rằng, không loại trừ trường hợp có đồng phạm trong những vụ việc như thế này. “Việc này có thể khó khăn, kéo dài nhưng tôi tin CQĐT sẽ tìm ra thủ phạm”, LS Từ nói. 

Theo LS Từ, vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân cần cẩn trọng khi thực hiện hành vi chuyển nhượng BĐS. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc quyết liệt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hạn chế rủi ro thấp nhất cho người dân. Về phía người dân, cần nâng cao ý thức pháp luật, nhằm hạn chế và phòng ngừa rủi ro. 

Trước đó, ngày 14/2/2019, ông Nguyễn Quang Hùng (chủ sử dụng thửa đất số 148-1, tờ bản đồ số 7, tại tổ 14, phường Long Biên) phát hiện thửa đất của mình đã bị một đối tượng giả danh ông bán và ký hợp đồng cho chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Vân tại VPCC miền Bắc, số 1A Trần Đăng Ninh, phường Quang Trung (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Sau khi phát hiện sự việc, ông Hùng đã có đơn trình báo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin Cùng Chuyên Mục