Công ty tư vấn đầu tư Henley & Partners - một đơn vị có trụ sở tại London (Anh) chuyên tư vấn cho chính phủ về chính sách cư trú và quốc tịch theo đầu tư đã công bố báo cáo The Centi-Millionaires Report 2022 (báo cáo về giới triệu phú toàn cầu). Triệu phú Centi-Millioanires là thuật ngữ chỉ những người sở hữu khối tài sản có giá trị từ 100 triệu USD trở lên.
Báo cáo Centi-Millionaire cho hay, với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 95%, Việt Nam được dự báo là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới của giới triệu phú sở hữu từ 100 triệu USD trở lên trong thập kỷ tới, đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản, công nghệ và các lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Đứng sau Việt Nam trong báo cáo về tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu của Henley & Partners lần lượt là Ấn Độ (tăng trưởng 80%), Mauritius (tăng trưởng 75%). New Zealand và Rwanda cũng được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng đặc biệt, với mức tương ứng là 72% và 70%.
Henley & Partners mô tả Ấn Độ là quốc gia có số lượng lớn các doanh nhân và có mức lương cạnh tranh. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này được dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực như công nghệ, dịch vụ tài chính, quy trình gia công phần mềm, bất động sản, chăm sóc sức khỏe và truyền thông.
Trong khi đó, Mauritius - một quốc đảo ở Ấn Độ Dương được mô tả là một nơi an toàn, thân thiện với doanh nghiệp cùng mức thuế suất thấp và dự báo là điểm nóng cho các triệu phú di cư tới.
Báo cáo của Centi-Millionaire cũng chỉ ra, Mỹ hiện là quốc gia có số lượng triệu phú có khối tài sản trên 100 triệu USD nhiều nhất thế giới với 9.730 người, chiếm 38% tổng số lượng triệu phú Centi-Millionaires trên toàn cầu. Con số này bỏ xa quốc gia đứng thứ hai là Trung Quốc với 2.021 người. Hiện tại, tổng số lượng triệu phú Centi-Millionaires trên toàn cầu là 25.490 người.
Ấn Độ và Anh xếp ở vị trí thứ 3 và 4 với 1.132 người và 968 người. Tiếp đó là Đức với 966 người, ở vị trí thứ 5. Mặc dù có quy mô dân số nhỏ nhưng Thụy Sĩ đứng vị trí thứ 6 về số lượng triệu phú sở hữu tài sản từ 100 triệu trở lên với 808 người. Sau tiếp đó là Nhật Bản với 765 người, Canada 541 người, Australia 463 người...
Đối với khu vực châu Phi, Nam Phi là quốc gia xếp hạng cao nhất khi có 92 người thuộc giới siêu giàu, đứng thứ 27 trên toàn cầu.
Theo báo cáo, không có con đường cố định nào để trở thành triệu phú Centi -Millionaires, một số người được thừa kế tài sản, một số tự vươn lên trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số khác biệt thế hệ ngày càng lớn. Trong khi ngày càng có nhiều doanh nhân trẻ trong lĩnh vực công nghệ gia nhập câu lạc bộ triệu phú 100 triệu USD thì những triệu phú thuộc thế hệ Baby Boomers (những người sinh năm 1946-1955) vẫn có xu hướng thống trị danh sách.
Misha Glenny - nhà báo tài chính, tác giả và người đóng góp cho báo cáo Centi-Millionaires cho rằng: “Ở mức tăng trưởng 57%, tốc độ phát triển số lượng triệu phú 100 triệu USD ở châu Á sẽ gấp đôi châu Âu và Mỹ trong thập kỷ tới, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ”.