Chỉ tính riêng tại Mỹ, khối tài sản trị giá khoảng 84.000 tỷ USD dự kiến sẽ được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác trong vòng 20 năm tới, theo CNBC. Con số này có thể lớn hơn rất nhiều nếu xét trên quy mô toàn cầu.
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây từ UBS đã chỉ ra rằng, có khoảng 41% những người hiện đang nắm giữ một phần trong số tiền khổng lồ này chưa có kế hoạch về cách họ sẽ truyền lại khối tài sản, sự siêu giàu cho các thế hệ sau.
UBS đã thực hiện một cuộc khảo sát với 4.500 người sở hữu khối tài sản ròng trị giá từ 1 triệu USD trở lên ở 14 khu vực khác nhau. Phần lớn trong số này đang nghĩ cách để phân chia tiền và các khoản đầu tư của họ, song nhiều trường hợp khẳng định chưa có kế hoạch cụ thể.
"Ngay cả khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát và mọi thứ đang quay trở lại quỹ đạo bình thường, rất nhiều người vẫn chưa có những hành động cần thiết để đảm bảo quá trình chuyển giao tài sản diễn ra thành công”, theo nghiên cứu của UBS được công bố ngày 19/10.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là giới nhà giàu không quan tâm đến quá trình chuyển giao tài sản. Khoảng 76% trong số họ đã nghĩ về việc liệu có vấn đề gì xảy ra khi họ chuyển nhượng tài sản hay không, trong khi 71% người khác đang hướng tới việc giảm thiểu thuế đối với tài sản thừa kế mà họ sẽ để lại, và 70% đã đặt câu hỏi liệu các thế hệ tương lai có sử dụng tài sản một cách tinh tế?.
Bên cạnh việc thiếu các kế hoạch về việc chuyển giao tài sản, một nửa trong số những người được hỏi cho biết chưa có cuộc trò chuyện nào về mức độ giàu có, cách đầu tư tài sản hoặc cách chúng sẽ được phân chia.
Công bằng là mối quan tâm hàng đầu
Có nhiều lý do dẫn tới việc các nhà đầu tư chưa có kế hoạch chuyển giao tài sản. Chẳng hạn, khoảng 66% những người được hỏi cho biết họ quan tâm đến sự công bằng. Báo cáo cho thấy, không phải tất cả giới siêu giàu đều có kế hoạch chia đều tài sản của mình.
“Một số người thuộc tầng lớp siêu giàu có những cách phân chia tài sản khác phần còn lại. Có khoảng 80% trong số những người được hỏi cho biết họ sẽ để lại tài sản thừa kế cho những người có mối quan hệ thân thiết. Những người khác viện dẫn nhu cầu tài chính của những người thừa kế và vai trò của họ trong việc quản lý khối tài sản khổng lồ”, theo báo cáo của UBS.
Các cấu trúc gia đình, chẳng hạn khi có sự tham gia của con riêng, càng làm phức tạp thêm tình hình quyền thừa kế tài sản của giới siêu giàu. Theo báo cáo, có khoảng 87% những người tham gia khảo sát thừa nhận sự công bằng là lý do khiến họ lo lắng khi phân chia tài sản thừa kế.
Hơn một nửa trong số những người siêu giàu tham gia khảo sát khẳng định coi nhẹ việc chuyển giao tài sản thừa kế, 46% tránh đề cập tới chủ đề tiền bạc trong gia đình và 49% lo lắng về việc làm cho con, cháu trong gia đình cảm thấy thỏa mãn, hài lòng với cuộc sống khi thừa kế số tiền khổng lồ.
Trong số này, việc tránh đề cập tới vấn đề tài sản thừa kế trong gia đình được coi là lý do rất quan trọng, bởi điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy khác nhau, bao gồm cả những hệ lụy xấu.
Việc thiếu kế hoạch có thể gây ra các vấn đề dài hạn
Việc né tránh chủ đề trao quyền thừa kế tài sản có thể gây ra các vấn đề lâu dài hơn - Iqbal Khan - người đứng đầu bộ phận Quản lý tài sản toàn cầu của UBS khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi cho biết.
“Trong khi những người giàu có muốn quá trình thừa kế diễn ra suôn sẻ, việc lập kế hoạch thừa kế không đầy đủ có thể gây tốn kém và có thể dẫn đến xung đột gia đình mà không thể giải quyết”, ông Iqbal Khan nhấn mạnh.
Nghiên cứu của UBS chỉ ra rằng khoảng 40% những người được thừa kế tài sản hối tiếc vì đã không nói chuyện về vấn đề quyền thừa kế với gia đình của họ trước đó. Khoảng 1/3 trong số họ báo cáo lại rằng sợ khi nói điều này ra sẽ gây ra xung đột với anh chị em hoặc các thành viên khác trong gia đình về cách chia tiền.
Cuộc khảo sát cho thấy cả những người trao quyền và những người thừa kế tài sản đều muốn mở các cuộc trò chuyện và tạo ra một kế hoạch cụ thể hơn về khoản thừa kế tài sản giữa các thế hệ.