Mới chỉ vài tuần trước, một số chuyên gia còn cảnh báo Bitcoin sẽ rớt xuống mốc 20.000 USD sau khi đồng tiền này lập đỉnh lịch sử gần 65.000 USD hồi tháng 4. Thế nhưng, hôm 23/8, Bitcoin đã lần đầu tiên lấy lại mốc 50.000 USD kể từ tháng 5 vừa qua. Các đồng tiền khác, bao gồm ethereum, dogecoin và ADA của Cadano, cũng nhích tăng.
Tâm lý tích cực đang bao phủ khắp các thị trường. Điểm sáng mới nhất trên thị trường tiền kỹ thuật số là việc các thợ đào Bitcoin đang quay lại làm việc sau đợt trấn áp của chính phủ Trung Quốc. Đồng thời, ngày càng có bằng chứng chỉ ra rằng đồng tiền mã hóa này đang được chấp nhận rộng rãi hơn.
Tất cả những điều này xảy ra trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh mẽ đang làm xáo trộn tiến trình bình thường hóa chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Việc tích lũy các tài sản tiền điện tử đang tăng nhanh trong vài tháng qua,” chuyên gia Jonathan Cheesman thuộc sàn giao dịch tiền điện tử phái sinh FTX nhận định. Cũng theo ông Cheesman, sự chấp thuận của các tổ chức tài chính lớn với đồng Bitcoin và Ether, cũng như các hoạt động giao dịch NFT cũng là nguyên nhân dẫn tới sự trỗi dậy trở lại của tiền điện tử.
Dưới đây là những yếu tố thúc đẩy đà tăng của tiền kỹ thuật số và triển vọng tương lai của loại tiền này.
Biến chuyển tâm lý
Nhiều người cho rằng, thế giới tiền mã hóa là nơi mà một vài tiếng nói có trọng lượng thực sự có thể tác động đến giá cả, ví dụ như Elon Musk. Hồi tháng 3, vị tỷ phú này thông báo Tesla sẽ cho phép khách hàng mua xe bằng Bitcoin nhưng chỉ hai tháng sau lại rút lại quyết định này với lý do quan ngại về môi trường. Sau những bình luận này, giá Bitcoin đã bốc hơi 25% chỉ trong một tuần.
Thế rồi vài tuần gần đây, Elon Musk bất ngờ quay lại ủng hộ tiền kỹ thuật số. Cuối tháng 7, vị CEO của Tesla cho biết bản thân đang nắm giữ Bitcoin, Ethereum, Dogecoin và muốn thấy tiền mã hóa thành công.
Nhà quản lý quỹ Cathie Wood cũng là một nhân vật quyền lực khác trên thị trường tiền mã hóa. Hồi tháng 5, bà từng phát biểu Bitcoin có thể tiến tới mốc 500.000 USD, còn gần đây thì đưa ra lời khuyên doanh nghiệp nên bổ sung Bitcoin vào bảng cân đối kế toán.
Tín hiệu từ tỷ lệ băm
Khoảng một tháng trước, mọi cuộc bàn tán của các nhà đầu tư tiền ảo đều xoay quanh việc chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát tiền điện tử. Trước khi có lệnh cấm, 65% hoạt động khai thác Bitcoin diễn ra ở Trung Quốc. Khi các dàn máy đào tại đây ngừng hoạt động, tỷ lệ băm (hash rate - đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào tiền mã hóa) đã giảm một nửa chỉ trong 2,5 tuần.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Blockchain.com, tỷ lệ băm đã đi lên từ đáy thấp nhất trong tháng 7. Sự phục hồi này đã giúp khôi phục niềm tin trên thị trường rằng tiền mã hóa vẫn có thể sống tốt bất chấp sự phản đối của các nhà lập pháp trên toàn thế giới.
Quyết định sau hội nghị thường niên Jackson Hole
Giống như vàng, giá tiền mã hóa thường lao dốc khi lãi suất có khả năng tăng lên. Diễn biến dịch Covid-19 do sự lây lan của biến thể Delta có thể làm xáo trộn kế hoạch chấm dứt các chính sách tiền tệ khẩn cấp của Fed.
Edward Moya, nhà phân tích của Oanda nhận định, nếu chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất thấp tại hội nghị Jackson Hole ngày 27/8 tới, đây sẽ là một cú hích cho đồng Bitcoin.
Các ông lớn tham gia cuộc chơi
Việc ngày càng nhiều công tài chính và công ty tiêu dùng lớn chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số được cho là một động lực đẩy giá tiền ảo đi lên. Cùng với đó, giới đầu tư cũng chứng kiến một bước ngoặt lớn trên thị trường tiền điện tử, đó là việc sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Coinbase chức thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hồi tháng 4 vừa qua.
Gần đây nhất, hồi tháng 7, bài đăng tuyển dụng của Amazon viết rằng công ty đang tìm kiếm người đứng đầu bộ phận “Sản phẩm tiền mã hóa và blockchain” đã làm dấy lên lời đồn đoán rằng tập đoàn thương mại điện tử này có thể đang tiến vào sân chơi tiền kỹ thuật số. Ngay sau thông tin trên, giá Bitcoin bật mạnh lên mốc 40.000 USD, cổ phiếu Amazon tăng 1%.
Walmart cũng tiết lộ sự quan tâm tới tiền mã hóa. Bài đăng tuyển dụng ngày 15/8 thông báo công ty đang tìm người đảm đương nhiệm vụ phát triển chiến lược tiền kỹ thuật số và lộ trình sản phẩm cũng như xác định quan hệ đối tác và cơ hội đầu tư liên quan đến tiền mã hóa.
Triển vọng tương lai cho đồng Bitcoin
Giờ đây, những dự đoán về việc Bitcoin có thể tiến lên giá 100.000 USD đang được thảo luận sôi nổi.
Cũng như mọi khoản đầu tư, việc dự đoán tương lai là điều không thể. Nhưng các nhà phân tích đã thực sự xem xét tới những thay đổi có thể xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn, khi Bitcoin quay về ngưỡng 50.000 USD.
Chuyên gia phân tích Daniela Hathorn DailyFx.com nhận định, thị trường sẽ phải chờ thêm một thời gian để chứng kiến thêm các động lực cho đà tăng giá của Bitcoin, vì 50.000 USD là mức tâm lý quan trọng đối với đồng tiền này.
“Miễn là giá Bitcoin duy trì trên mức trung bình động 200 ngày là 45.750 USD thì xu hướng sẽ vẫn ở phía tích cực,” bà Hathorn cho hay. “Trong tương lai, thách thức quan trọng đối với người mua là Bitcoin sẽ không mất đi động lực để tiếp tục hướng tới mốc 55.000 USD”.