Ngày pháp luật

Vì sao ông Nguyễn Hữu Linh chưa bị bắt tạm giam?

Mai Phương/ Lao động

Việc khởi tố chỉ xác định có dấu hiệu tội phạm. Sau khi điều tra, có kết luận điều tra thì mới có thể xác định có tội hay không.

Chiều 21.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, ngụ TP. Đà Nẵng, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng), để điều tra về hành vi dâm ô với trẻ dưới 16 tuổi.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, với hành động trong clip, cơ quan điều tra đủ cơ sở để khởi tố ông Linh về tội Dâm ô người dưới 16 tuổi. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra có thể bắt tạm giam. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Nguyễn Hữu Linh, chưa bắt tạm giam, cơ quan điều tra sẽ ra một quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú. Vì nếu không ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú, việc triệu tập có thể sẽ khó khăn cho cơ quan điều tra.

Vì sao ông Nguyễn Hữu Linh chưa bị bắt tạm giam? - Ảnh 1

"Nguyên tắc, khi ông Linh bị cấm đi khỏi nơi cư trú, ông phải có mặt khi cơ quan điều tra triệu tập. Nếu ông không có mặt, sẽ phải thay đổi biện pháp ngăn chặn", Luật sư Hiệp nói.

Trao đổi với Báo Lao Động, bà Trần Thị Ngọc Nữ - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết Hội sẽ tiếp tục theo dõi vụ án, nếu gia đình bị hại đồng ý, phía Hội sẽ cử luật sư tham gia.

"Ông Linh là người có nơi cư trú ổn định. Xét về tội dâm ô là tội ít nghiêm trọng. Trước đây nhân thân của ông tốt, không có tiền án tiền sự gì nên không cần phải bắt giam. Chứ không phải cơ quan điều tra không bắt tạm giam", bà Trần Thị Ngọc Nữ nói.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Hoàng Cao Sang, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết thêm, theo điều 119 Bộ Luật Tố tụng hình sự, quy định tạm giam chỉ đối với trường hợp rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp, ông Linh thuộc trường hợp không phải tạm giam vì ông có lý lịch và nơi cư trú rõ ràng. 

Luật sư Bùi Khắc Toản, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích thêm: "Việc bắt tạm giam đối với bị can bị cáo phụ thuộc vào các yếu tố. Thứ nhất, tội danh nặng hay nhẹ. Thứ 2, có nơi ở rõ ràng hay không. Thứ 3, có dấu hiệu bỏ trốn hay không? Nhân thân thế nào? Trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh phạm tội ít nghiêm trọng, nhân thân ông Linh tốt, có nơi ở rõ ràng và không có dấu hiệu bỏ trốn thì không cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với ông". 

"Khởi tố mới chỉ là có dấu hiệu phạm tội. Còn có là tội phạm hay không phụ thuộc vào bản án của tòa, cơ quan có thẩm quyền", Luật sư Bùi Khắc Toản nhấn mạnh.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp nói thêm, theo quy trình, thời gian tới, ông Linh sẽ tiếp tục bị mời lên cơ quan điều tra để lấy lời khai. Sau đó, nếu cần thiết, cơ quan điều tra có thể thực nghiệm lại hiện trường, lấy lời khai của người bị hại. Bị hại trong trường hợp này nhỏ tuổi thì phải có người giám hộ. Trong quá trình này, cả bị cáo lẫn bị hại có quyền thuê người bào chữa.

Thông thường, cơ quan điều tra sẽ có thời gian quy định cụ thể để điều tra, ví dụ có thể là 2 tháng. Nếu điều tra chưa kết thúc, có thể gia hạn điều tra theo quy định. Sau khi có kết luận điều tra sẽ chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát để truy tố nếu có tội. Trường hợp nếu không có tội, sẽ phải đình chỉ điều tra.

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Linh, sinh năm 1958, ngụ tại Quận Hải Châu - TP. Đà Nẵng đã có hành vi ôm, hôn bé gái trong thang máy chung cư ở quận 4, TPHCM. Sự việc bị camera an ninh trong thang máy của tòa nhà ghi lại.  

Sau 20 ngày, cơ quan điều tra mới chính thức có quyết định khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh để điều tra về hành vi Dâm ô người dưới 16 tuổi.

Tin Cùng Chuyên Mục