Ngày pháp luật

Vị CEO khiến 700 nhân viên thay đổi thái độ làm việc chỉ bằng một hành động giản dị

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Bức thư đầu tiên là lời chúc mừng năm mới 2016. Kể từ đó, cứ đều đặn mỗi chủ nhật hàng tuần, nhân viên của Uptake lại được đọc thư từ chính "sếp tổng".

Là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Uptake, Brad Keywell tiết lộ ông đã tạo ra một "nghi thức" vào mỗi tối chủ nhật, khiến toàn bộ nhân viên và người thân phải "trầm trồ". Thực hư thế nào thì chưa rõ, nhưng Uptake đã xuất sắc dành được danh hiệu "kỳ lân", chính thức được định giá trên 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn hồi năm 2018. 

Uptake hoạt động trong một lĩnh vực vô cùng "khó nhằn": AI (trí tuệ nhân tạo). Sở dĩ nói như vậy, bởi nó thay đổi không ngừng, đòi hỏi cập nhật kiến thức hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Đọc đến đây, bạn sẽ nghĩ rằng "nghi thức" của Keywell là đọc và nghiên cứu tài liệu. Nhưng không, ông dành thời gian quý báu mỗi tối Chủ nhật, để làm một việc "rất quan trọng và cần thiết": Tự tay viết thư hàng tuần cho các nhân viên.

Vị CEO khiến 700 nhân viên thay đổi thái độ làm việc chỉ bằng một hành động giản dị - Ảnh 1

 

750 nhân viên, tương ứng với 750 lá thư hàng tuần được gửi tới đội ngũ làm việc tại Uptake, cũng như các thành viên trong gia đình Keywell.

Bức thư đầu tiên là lời chúc mừng năm mới 2016. Kể từ đó, cứ đều đặn mỗi chủ nhật hàng tuần (kể cả các kỳ nghỉ, ngày lễ), nhân viên của Uptake lại được đọc thư từ chính "sếp tổng".

"Bức thư luôn mang nhiều ý nghĩa hơn những dòng tin nhắn khô cứng. Viết một bức thư bằng chính nét bút của bạn và gửi nó cho người khác sẽ khiến họ gần gũi bạn hơn" - Keywell giải thích.

Công việc này "ngốn" của Keywell từ một đến ba tiếng. Suốt cả tuần, ông ngẫm nghĩ về chủ đề thư, sao cho phải thật sâu sắc. Đôi lúc, vị CEO này sẽ chỉ đơn giản viết về một bình luận thú vị ông tình cờ nghe được. Những bức thư thường dài từ 700 đến 1.000 từ, đôi khi chúng có thể lên tới 1.500 từ.

Thông thường, thư sẽ viết về các chủ đề mang tính cá nhân, và có thể là một bài thơ Keywell thích. Hơn hết, ông luôn muốn bản thân xuất hiện trong từng dòng.

"Điều đó đang tô màu trong cuộc sống của tôi và nó khiến cuộc sống của tôi trở nên trọn vẹn, thú vị hơn" - doanh nhân này chia sẻ.

Nhưng tựu chung lại, Keywell cho rằng chẳng có bất cứ quy tắc cụ thể nào: "Ai nói một lá thư chủ nhật cần phải theo một vài quy tắc? Độ dài khác nhau, chủ đề khác nhau, định dạng khác nhau, tất cả đều có thể."

Chỉ duy nhất một điều ông lưu ý, đó là các bức thư phải được "viết tay".

Nhân viên rất mong mỏi được biết thêm về tính cách, suy nghĩ của lãnh đạo. Khao khát chính đáng đó sẽ được đáp ứng, chỉ bằng một bức thư mỗi Chủ nhật.

"Mỗi lá thư đều chứa đựng điều tuyệt vời. Chẳng ai quan tâm tới câu cú hay cách hành văn, họ chỉ biết rằng đó là dòng tâm sự của chính bạn. Không một văn bản đánh máy, hình thức đối thoại nào có thể so sánh được." - ông lý giải.

Trên hết, viết thư là cách để các CEO rèn luyện bản thân: "Mỗi CEO cần khơi gợi đức tính kỷ luật trong họ bằng việc tự viết ra suy nghĩ. Đó là kỳ vọng và tâm huyết của bản thân tôi vào mỗi tuần, là những gì tôi làm cho mọi người, và cuối cùng là cho chính tôi" - Keywell nói.

Cuối cùng, Keywell đúc kết: "Tôi thành thực khuyên các CEO hãy thể hiện suy nghĩ, cảm xúc qua một lá thư. Nó giống như món quà bạn gửi tặng cho nhân viên, người thân, và cả cho chính bạn. Những người làm việc dưới quyền sẽ được biết thêm về lãnh đạo của họ, đồng thời bạn có dịp nhìn lại bản thân."

Tin Cùng Chuyên Mục