Ngày pháp luật

VEC nói gì về việc ‘sang tay' gói thầu A5 cao tốc 34.000 tỷ đồng?

Theo Việt Hùng/Vietnam+

"Việc đưa thông tin nhà thầu gói thầu A5 POSCO bán thầu toàn bộ là chưa có cơ sở”, lãnh đạo VEC quả quyết.

VEC nói gì về việc ‘sang tay' gói thầu A5 cao tốc 34.000 tỷ đồng? - Ảnh 1
Các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)-chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vừa chính thức lên tiếng việc nhà thầu chính Hàn Quốc đã tự "sang tay" bán lại phần thi công các cầu tại gói thầu A5, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho các nhà thầu phụ vào chiều nay (30/10).

Theo báo cáo của VEC, gói thầu A5 là một trong 13 gói thầu xây lắp chính của dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, thuộc đoạn tuyến Tam Kỳ-Quảng Ngãi, được thực hiện bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Nhà thầu POSCO E&C (Hàn Quốc) đã trúng thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế.

Thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư, VEC đã ban hành quy trình phê duyệt nhà thầu phụ cho các dự án do Tổng công ty làm chủ đầu tư. Theo đó, quy định cụ thể quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ, tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ, năng lực kinh nghiệm thi công, năng lực tài chính, thiết bị, nhân lực và kế hoạch huy động...

Theo quy định tại quy trình, nhà thầu chính lựa chọn và đề xuất nhà thầu phụ, Tư vấn giám sát kiểm tra, đánh giá; Ban Quản lý dự án kiểm tra, báo cáo và trình VEC, Ban Quản lý thi công và giải phóng mặt bằng (nay là Ban Quản lý thi công) kiểm tra, đánh giá tham mưu trình lãnh đạo VEC xem xét phê duyệt. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, VEC đã lập các biểu theo dõi và mục công việc trên mạng nội bộ để theo dõi, cập nhật tình hình thực hiện công việc...

Đối với gói thầu A5, tổng số thầu phụ được VEC chấp thuận là 11 đơn vị, trong đó có 8 đơn vị là nhà thầu phụ về thi công xây lắp, 3 đơn vị là nhà thầu phụ về phòng thí nghiệm hiện trường, quan trắc môi trường và khoan khảo sát, với tổng giá trị giao thầu là 800,9 tỷ đồng.

Trả lời về việc nhà thầu chính Posco bán lại phần thi công các cầu trong gói thầu A5 cho Liên danh Thiên Ân-Vinaconex.,JSC với giá hơn 597 tỷ đồng… Sau đó, Công ty Thiên Ân không đủ năng lực nên liên danh nhà thầu này dừng thi công gói thầu A5. Và, Công ty Posco sau đó tiếp tục chia nhỏ nhiều hạng mục và mời các đơn vị khác vào thi công… Phía VEC đã bác bỏ việc bán toàn bộ gói thầu này.

Theo lý giải của lãnh đạo VEC, nhà thầu phụ Công ty cổ phần hợp tác Thiên Ân và Vinaconec.,JSC được VEC chấp thuận làm thầu phụ với giá trị tạm tính là 542,94 tỷ đồng thi công toàn bộ hạng mục cầu thuộc gói thầu A5.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhà thầu Công ty Thiên Ân và Vinaconec.,JSC đã không đáp ứng được yêu cầu công việc nên phần khối lượng này đã được POSCO giao lại cho đơn vị khác thi công và được VEC chấp thuận cho 2 đơn vị thay thế là Xí nghiệp Cầu 17 với giá trị 259,3 tỷ đồng (thi công phần kết cấu phần dưới mố A1 đến trụ P10 và kết cấu nhịp dầm cầu Trà Khúc); Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510 với giá trị 46,67 tỷ đồng (thi công các cầu OP24A, OP25, ORB28A, CB38).

Theo phía VEC, trên thực tế, các nhà thầu quốc tế (nhà thầu chính) sang thực hiện thi công các công trình tại Việt Nam thường huy động các nhân sự từ chính quốc để thực hiện công tác quản lý chung, quản lý về tiến độ, chất lượng cho công trình nhằm mục tiêu đảm bảo tiến độ, chất lượng và đảm bảo nguồn tài chính thực hiện công trình.

Để thực hiện các hạng mục của công trình, nhà thầu chính có thể thuê các nhà thầu phụ hoặc dịch vụ thuê nhân công, máy móc thiết bị tại nước sở tại để thực hiện nhằm tiết giảm chi phí, nhưng trong mọi trường hợp nhà thầu chính vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng, tiến độ của công trình và chịu nghĩa vụ bảo hành (02 năm) theo quy định của hợp đồng.

“Như vậy, việc đưa thông tin nhà thầu gói thầu A5 POSCO bán thầu toàn bộ là chưa có cơ sở,” lãnh đạo VEC quả quyết.

Được biết, gói thầu A5 (Km124+700-Km139+204) dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đi qua địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi). Gói thầu do Posco Engineering&Construction Co.,Ltd (Posco E&C) là nhà thầu chính thi công.

Trước đó, sau hơn một năm đưa vào khai thác 65km đầu tuyến (từ ngày 2/8/2017), khoảng cuối tháng 9/2018 đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 3cm tại một số vị trí với diện tích khoảng 70m2/3,1 triệu m2.

Ngay sau đó, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã khẩn trương triển khai thực hiện công tác sửa chữa. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc sửa chữa tạm thời chỉ thực hiện sau khi dư luận, báo chí lên tiếng và đi đến quyết định dừng thu phí từ ngày 12/10.

Ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC cho biết, việc dừng thu phí khiến khiến VEC thất thu bình quân 600 triệu đồng/mỗi ngày.

Theo ông Tám, do công trình hiện vẫn đang trong giai đoạn bảo hành, nhà thầu hoàn toàn chịu trách nhiệm cũng như chi phí sửa chữa khắc phục các hư hỏng trên tuyến. VEC sẵn sàng hợp tác với tất cả các cơ quan thanh tra, kiểm tra dự án này cũng như tất cả các công việc của Tổng công ty khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm soát.

Ngay sau đó, VEC đã tiến hành kiểm điểm, cảnh cáo 4 đơn vị, bao gồm Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 6; Ban Quản lý dự án Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Ban điều hành quản lý khai thác đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (VECS).

Về trách nhiệm cá nhân, VEC cảnh cáo 5 cá nhân gồm Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 6; Cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 4 (đoạn Công ty Tuấn Lộc thi công); Cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 6 (đoạn Tổng công ty Thành An thi công); Phó giám đốc kiêm đội trưởng đội vận hành và bảo trì Ban điều hành đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (VECS) và tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban QLDA Đà Nẵng-Quảng Ngãi./.

Tin Cùng Chuyên Mục