Ngày pháp luật

VASEP: Doanh nghiệp xuất khẩu có thể mất thêm hàng trăm tỷ vì quy định ghi nhãn hàng hoá

Ngọc Trìu

Hiệp hội cho rằng, hàng hóa xuất khẩu mà phải ghi nhãn theo cả quy định pháp luật Việt Nam và nước xuất khẩu là bất hợp lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ 43/2017 về nhãn hàng hoá. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất đưa cả hàng hóa xuất khẩu vào nhóm cần ghi nhãn hàng hoá. Tuy nhiên, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, đề xuất này bất hợp lý. 

VASEP cho rằng, hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ tại thị trường trong nước mà phải ghi nhãn theo cả quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước xuất khẩu là rất bất hợp lý, gây tốn kém mà không có lợi gì cho người tiêu dùng. Nếu  pháp luật Việt Nam và nước xuất khẩu có điểm khác biệt thì việc thực hiện càng bất khả thi. 

Dự thảo ghi nhãn hàng hóa của Bộ Khoa học và Công nghệ còn nhiều điểm chưa hợp lý. Ảnh: Vasep.com.vn
Dự thảo ghi nhãn hàng hóa của Bộ Khoa học và Công nghệ còn nhiều điểm chưa hợp lý. Ảnh: Vasep.com.vn

VASEP cho rằng, hàng xuất gia công thường chỉ ghi tên của chủ sở hữu (như Cotsco, Walmart, AquaStar....) theo luật của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, dự thảo  bắt ghi tên nhà sản xuất theo luật Việt Nam chắc chắn nhiều đối tác không chấp nhận.  

Bên cạnh đó, theo VASEP, quy định này sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệpHội hội lấy ví dụ, ngành da giày mỗi năm xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày dép các loại (năm 2017 là 1,02 tỷ đôi). Nếu phải thay đổi nhãn, mỗi đôi chỉ cần tốn thêm 100 đồng để làm nhãn mới là nguyên ngành da giầy đã tốn hơn 100 tỷ mỗi năm. Nếu tất cả các ngành sản xuất khác đều phải thay nhãn, tổng thiệt hại của tất cả các ngành kinh tế do việc thay nhãn sẽ lên đến hàng nghìn tỷ.

VASEP cũng cho rằng, quy định này của dự thảo cũng trái với thông lệ quốc tế. Theo thông lệ, tổ chức, cá nhân xuất khẩu tại Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm cung cấp hàng hóa đúng theo giao kèo trong hợp đồng. Đơn vị nhập khẩu là chủ sở hữu hàng hóa phải chịu trách nhiệm đảm bảo việc ghi nhãn hàng hóa không vi phạm pháp luật của nước nhập khẩu.

"Không thể yêu cầu doanh nghiệp Việt nam đảm bảo thay cho doanh nghiệp nước ngoài được", hiệp hội này nhấn mạnh và cho rằng chỉ cần quy định hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu, chứ không thể yêu cầu tuân thủ cả luật Việt Nam và luật nước nhập khẩu như dự thảo.

Bên cạnh đó, theo VASEP, hàng hóa từ nhà sản xuất có thể xuất đi nhiều nước nên họ không thể đáp ứng yêu cầu riêng biệt cho Việt Nam. 

"Do đó, việc yêu cầu đầy đủ thông tin của tổ chức sản xuất, tổ chức cá nhân nhập khẩu ở Việt Nam trên nhãn gốc là không khả thi, tạo ra rào cản thương mại cho tất cả các hàng hóa nhập khẩu và vi phạm các điều khoản của EVFTA, cũng như các FTA khác", VASEP nêu ý kiến và đề nghị bỏ đề xuất ghi nhãn hàng hoá nói trên. 

Tin Cùng Chuyên Mục