Mở cửa phiên, mỗi lượng vàng miếng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý SJC giao dịch đầu phiên sáng nay tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều, niêm yết ở 56,95 - 55,55 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji cùng lúc cũng bán ra ở 56,35 triệu đồng và mua vào 55,25 triệu đồng/lượng tại Hà Nội, tăng hơn 50.000 đồng ở giá bán ra và 250.000 đồng ở chiều mua vào. Trong khi đó, vàng bạc Phú Quý niêm yết ở mức 56,7 - 55,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán rút ngắn còn 1 triệu đồng.
Ở thị trường quốc tế, một ounce vàng giao dịch quanh mức 1.942 USD/ounce, tương đương gần 54 triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch Mỹ đêm qua (20/8), giá kim loại quý liên tục biến động, song biên độ không lớn. Giá vàng thế giới chốt phiên đứng ở 1.945 USD/ounce, cao hơn 17 USD so với giá chốt phiên hôm qua. Giá vàng thế giới hiện cao hơn khoảng 27,3% (415 USD/ounce) so với đầu năm 2020.
Vàng thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh do giới đầu tư không nhận được thêm thông tin mới về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Điều mà nhiều nhà đầu tư đánh cược trước đó là Fed sẽ kiểm soát đường cong lợi tức.
Tuy nhiên, Fed đã phủ nhận điều này. Việc giới hạn lợi suất trái phiếu có thể làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu kho bạc Mỹ và gây áp lực lên đồng USD, qua đó tăng sức hấp dẫn của vàng.
Bên cạnh đó, báo cáo việc làm hôm qua 20/8 của Mỹ cho thấy, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ quay trở lại mốc 1 triệu. Điều đó có nghĩa, mới chỉ có 9,3 triệu trên tổng số 22 triệu việc làm mất đi trong giai đoạn tháng 2 - tháng 4 ở Mỹ được phục hồi. Cho dù vàng giảm giá sâu nhưng triển vọng của mặt hàng kim loại quý này được dự báo vẫn tươi sáng.