Lén cha để khởi nghiệp
Vào giữa những năm 1990, Ravi Modi thường quanh quẩn trong cửa hàng quần áo của cha mình ở Kolkata (Ấn Độ) sau giờ học.
Thiếu niên nhanh chóng nhận thấy cửa hàng chủ yếu bán quần jean, áo phông, quần tây,... cho nam giới nhưng lại không có mẫu trang phục truyền thống Ấn Độ nào.
"Có cầu nhưng không có cung", Modi nói và từ đó cố thuyết phục cha bán thêm kurta (sơ mi rộng rãi, không cổ) và pajamas (quần dài dây rút) nhưng không thành công.
Ravi Modi không từ bỏ ý định. Khi lên 19 tuổi vào năm 1996, nhân dịp cha vắng nhà trong một chuyến hành hương, anh đã nhập 100 bộ kurta-pyjama cho nam giới và bán được 80 bộ trong 2 ngày cuối tuần.
“Khi bố tôi quay lại, ông ấy rất tức giận, nhưng khi thấy tôi bán được 80 chiếc, ông ấy lại vui,” Modi nhớ lại.
Chỉ 3 năm sau, Modi tự mình lập thương hiệu riêng tên là Manyavar (nghĩa là tôn trọng trong tiếng Hindi). Cửa hàng ban đầu chỉ có 1 nhân viên với số vốn 10.000 rupee (~ 2,9 triệu VND) vay từ mẹ. Mặt hàng chủ yếu tại Manyavar là những bộ kurta-pajama may sẵn với giá 200 rupee (~ 58.000 VND)/chiếc.
Trong 3 năm đầu, người cha của Modi vẫn tỏ ra không mấy lạc quan về việc kinh doanh của con trai. Thế nhưng khi lần đầu đến thăm cơ sở sản xuất vào năm 2002, Modi kể ông đã trở thành "người cha tự hào nhất mà một đứa con có thể có được."
Công ty dẫn đầu ngành lễ phục Ấn Độ
Từ Manyavar, Modi thành lập tiếp Vedant Fashions - công ty hiện dẫn đầu ngành quần áo cưới và lễ phục truyền thống cho nam giới, phụ nữ và trẻ em Ấn Độ.
Vedant Fashions ghi nhận doanh số khoảng 4 triệu chiếc/năm, đem về khoảng 138 triệu USD cho năm tài chính 2021. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp đôi lên 37 triệu USD trong cùng kỳ.
Vào tháng 2/2022, Modi niêm yết 15% cổ phần công ty và nâng khối tài sản ông nắm giữ lên 3,75 tỷ USD.
Công ty đầu tư Axis Capital dự đoán Vedant Fashions sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 30% trong hai năm tài chính tới.
Sự thành công của Vedant Fashions một phần là nhớ xu hướng "đám cưới lớn" ngày càng tăng ở Ấn Độ. Thuật ngữ này chỉ những đám cưới diễn ra trong nhiều ngày, không chỉ bao gồm lễ cưới và tiệc chiêu đãi mà còn có thêm tiệc chào mừng, nghi lễ tôn giáo,...
Theo công ty phân tích Crisil, đám cưới ở quốc gia tỷ dân ngày càng hoành tráng và kéo dài hơn nhờ thu nhập trung bình được cải thiện. Crisil dự kiến thị trường quần áo dân tộc sẽ tăng khoảng 15% - 17% lên 16,7 tỷ USD vào năm 2025.
Tỷ suất lợi nhuận ấn tượng
Vedant Fashions thiết kế các sản phẩm may mặc, nhưng cũng nhận gia công cho bên thứ 3 và hiện có 590 cửa hàng ở Ấn Độ, 13 cửa hàng trên khắp Bắc Mỹ và UAE.
Ngoài lễ phục giá rẻ cho nam giới, Vedant Fashions cũng thành lập những thương hiệu con, chuyên phục vụ cho từng giới tính, phân khúc giá khác nhau. .
Theo Arvind Singhal, chủ tịch công ty tư vấn bán lẻ Technopak, Modi được hưởng lợi từ việc trở thành người tiên phong trên thị trường:
“Trong những năm 1980 và 1990, lễ phục nam giới chủ yếu là những bộ vest kiểu phương Tây, nhưng đến những năm 2000, mọi người chuyển sang trang phục dân tộc, do sự gia tăng của các nhà thiết kế Ấn Độ và các đám cưới truyền thống trong phim Bollywood. Modi đã nhìn thấy cơ hội và xây dựng một ngành kinh doanh vững chắc."
Ban đầu, Modi sở hữu và điều hành tất cả các cửa hàng. Tuy nhiên đến năm 2016, ông chuyển sang mô hình nhượng quyền.
Chỉ 4/603 cửa hàng của Vedant Fashions không thuộc mô hình nhượng quyền thương mại. Cách làm mới cho phép Modi mở rộng lên tục mà không lo nợ đọng, đồng thời giữ quyền kiểm soát hàng tồn kho và tiếp thị.
Modi đảm bảo duy trì liên lạc thường xuyên với các chủ sở hữu nhượng quyền và thường xuyên có các buổi đào tạo về dịch vụ khách hàng.
Gaurav Jogani, nhà phân tích tiêu dùng tại Axis Capital cho biết:
“Vedant Fashions có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong lĩnh vực may mặc nhờ mô hình tối giản. Họ không sản xuất và không sở hữu các cửa hàng, vậy nên chi phí hoạt động thấp, công ty không mắc nợ và có nhiều tiền mặt.”
Bí quyết thành công
Theo Axis Capital, Vedant Fashions chi 7,6% doanh thu cho quảng cáo, mức cao nhất trong số các nhà bán lẻ hàng may mặc. Họ quyết tâm phủ sóng ở mọi nơi, từ bảng quảng cáo, đội thể thao, rạp chiếu phim,... đến mức người dân Ấn Độ nghĩ Manyavar đồng nghĩa với đồ cưới.
Ravi Modi lại nhấn mạnh sự tôn trọng cảm xúc khách hàng mới là bí quyết thành công:
“Khi một khách hàng bước vào, chúng tôi coi anh ta như một vị khách. Khi anh ấy chuẩn bị cho dịp quan trọng nhất cuộc đời, anh ấy cần cảm thấy một sự kết nối về cảm xúc."
Ravi Modi nói rằng ông đã học được bí quyết giao tiếp với khách hàng trong thời gian phụ việc cho bố:
“Bạn phải đối xử với những khách đang tức giận tốt hơn một chút với những khách chỉ đến mua hàng. Khi khách đến trả hoặc đổi hàng, họ luôn nghĩ rằng mình sẽ bị đối xử tệ. Nhưng nếu bạn đối tốt với những khách như vậy, bạn sẽ tạo ra một sự gắn kết trọn đời."
Tỷ phú Modi sống cuộc sống bình dị trong một ngôi nhà gỗ lớn được bao quanh bởi một bãi cỏ xanh tươi ở ngoại ô Kolkata. Ông tự trồng hầu hết các loại trái cây và rau quả mà gia đình sử dụng.
Sau 30 năm làm việc trong ngành bán lẻ, Modi đã phát triển cái nhìn mới mẻ về sự giàu có và công việc: “Kiếm được của cải mà không có thời gian là vô nghĩa."
Modi nhận thấy công ty có thể hoạt động mà không cần ông quản lý thường xuyên. Ông chỉ đến văn phòng 1 hoặc 2 lần mỗi tuần, chủ yếu để xem xét các dòng sản phẩm, quảng cáo và mở rộng cửa hàng. Ông nói:
“Thị trường đang phát triển nhanh hơn những gì chúng tôi dự đoán. Khi bắt đầu, chúng tôi nói rằng mọi người nên có ít nhất một bộ trang phục Ấn Độ trong tủ quần áo. Nhưng bây giờ chúng tôi muốn mọi tủ quần áo chỉ có trang phục của người Ấn Độ."
Link bài gốc