Sóng gió của vị tỷ phú giàu thứ nhì Nhật Bản Masayoshi Son và “kỳ lân gãy sừng” WeWork vẫn còn chưa dừng lại. Ông Son đã giữ thái độ khá bình tĩnh và kín tiếng sau những thất bại muối mặt của startup chia sẻ bất động sản.
Tuy nhiên, mới đây Son lại tạo nên những “cú twist” đầy bất ngờ. Hôm 5/11, trước thềm cuộc họp về tình hình tài chính quý III/2019 của SoftBank, vị CEO đã khẳng định rằng “chúng tôi tạo nên một con quái vật bên trong WeWork”. Chưa dừng lại ở đó, hôm sau 6/11, ông Son lại bẻ cua cực gắt, thừa nhận hết mọi sự xấu hổ và trách nhiệm về thất bại gần đây, nhưng vẫn tin WeWork có thể cất cánh và có lãi. Dù niềm tin của giới đầu tư đã không còn nguyên vẹn, nhưng nhiều người vẫn phải bái phục tỷ phú Son với bài thuyết trình hùng hồn, phát ngôn đúng thời điểm vô cùng.
“Chúng tôi đã tạo nên một con quái vật”
SoftBank vào tháng trước đã phải bơm gấp 1,5 tỷ USD để cứu lấy WeWork cạn kiệt dòng tiền, được định giá chỉ còn khoảng 8 tỷ USD. Là nhà đầu tư chính cho startup này, SoftBank đang phải cẩn trọng hơn bao giờ hết. Họ đang áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, như là cấu trúc cổ phần hai lớp, để kìm bớt phần nào vị CEO “nghiện rủi ro” của mình.
Trước khi ra tay cứu vớt một WeWork bên mép vực, SoftBank đã đầu tư tới 10 tỷ USD và định giá công ty lên 47 tỷ USD. Nhưng sau đó, hồ sơ để tiến hành IPO phơi bày các khoản nợ và cách điều hành yếu kém của nhà sáng lập kiêm CEO Adam Neumann, khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu bất thành. Điều này không những phá tan giấc mơ được định giá 100 tỷ USD mà còn khiến WeWork ngã một cú đau điếng, bị dè bỉu suốt thời gian gần đây.
Cựu CEO WeWork Adam Neumann
Kết quả, CEO WeWork đã phải từ chức vào tháng 9. Còn nhà đầu tư Masayoshi Son cũng ngậm ngùi nói với các cộng sự quanh mình: “Chúng ta đã tạo nên một con quái vật. Chúng ta đã đưa cho anh ta tất cả nguồn vốn!”.
Ngoài ra câu cảm thán trên, ông Son không bình luận gì nhiều xuyên suốt vụ việc nhưng nguồn tin thân cận nói với Finacial Times rằng Son chịu đả kích rất nghiêm trọng, “nhìn chung là cảm giác xấu hổ”.
Thất bại từ định giá sai lầm của nhà đầu tư và phong cách lãnh đạo "chả giống ai" của CEO WeWork
Nước cờ sai lầm đối với WeWork và trước đó với Uber (đã hụt mất ¼ giá trị kể từ khi IPO), khiến cho tập đoàn Nhật Bản tốn kém ít nhất 600 triệu USD (theo CNBC). Điều này dẫn đến các nhà đầu tư lo lắng về Quỹ mạo hiểm của SoftBank.
“Nếu SoftBank nói rằng đây là công ty có giá trị, bao nhiêu người sẽ tin tưởng nữa?” - Kirk Boodry, một chuyên gia phân tích công nghệ từ Redex Holdings đặt câu hỏi.
CEO Son “mang một con voi vào phòng họp”
Trước những thất bại không thể chối cãi và niềm tin trong SoftBank lung lay, ông Son phải vực dậy mọi thứ bằng những điều điên rồ, không tưởng. Trước tiên trong cuộc họp tài chính, Son trực tiếp thừa nhận thiệt hại do đầu tư nhiều tỷ USD vào WeWork. Báo cáo tài chính chỉ ra rằng khoản lỗ kết hợp của SoftBank với giá trị cổ phiếu WeWork đã lên tới 8,2 tỷ USD. "Chúng ta thực sự đang ở trong một vùng biển đầy biến động" - Son tóm gọn vấn đề hiện tại.
Sau đó, ông cho trình chiếu hình ảnh vùng biển động dữ dội, được phủ đầy bằng những dòng chữ tiếng Nhật về SoftBank và WeWork.
Tiếp theo, Son đã "mang một con voi vào phòng" – câu thành ngữ chỉ một vấn đề/ khúc mắc rất lớn nhưng tất cả mọi người đều tránh đề cập đến: Ở đây chính là sự đặt cược của SoftBank và WeWork và cái giá phải trả của việc này. Nhưng đồng thời, vị tỷ phú phân trần: "Đánh giá của tôi về các khoản đầu tư không phải lúc nào cũng đúng và tôi rất tiếc về điều này".
Cuối cùng, ông đánh vào luận điểm quan trọng là cách thức cứu vớt WeWork:
(1) Tạm dừng ký hợp đồng với văn phòng mới, (2) Cắt giảm chi phí hoạt động và (3) Loại bỏ những mảng kinh doanh không đem lại lợi nhuận.
Nếu điều kỳ diệu xảy ra, các phương án đều hiệu quả, đây sẽ là tình hình lợi nhuận của WeWork theo quan điểm của Son:
Lợi nhuận tăng "xanh rờn"
Dù vậy, lần này, “ông trùm nghiện rủi ro” đã có chú thích kĩ càng kèm theo: “Kết quả thực tế có thể khác so với giả thiết được minh họa ở trên. Minh họa này không phản ánh kết quả thực tế hoặc số liệu từ công ty" (đoạn chữ nhỏ bên dưới trong đồ thị).
Và đây là đường đi lên khó tin về lợi nhuận của WeWork theo tầm nhìn của Son:
Sau khi thấp chạm đáy, WeWork sẽ tăng trưởng chưa từng thấy. Hay ít nhất là Masayoshi Son tin điều đó.