Mark Cuban là một doanh nhân, tỷ phú có khối tài sản ròng trị giá 6,5 tỷ USD và là “cá mập” có tiếng tại chương trình Shark Tank Mỹ.
Nhưng ít ai biết trước khi trở thành tỷ phú, Mark Cuban từng phải sống trong một căn hộ cùng với 5 người bạn của mình, ngủ trên sàn nhà và sử dụng những chiếc khăn tắm xin được từ nhà nghỉ Motel 6. Hoàn cảnh lúc ấy rất khó khăn nhưng lại là động lực thúc đẩy Cuban dồn toàn bộ sức lực vào việc kinh doanh.
“Khi bạn phải ở trong ngôi nhà chật hẹp, bước qua người nhau để ra ngoài thì chỉ có tiến lên phía trước mới là con đường duy nhất”, ông nói trong triển lãm công nghệ SXSW 2023 vào tháng trước.
Mark Cuban khẳng định rằng, hầu hết mọi người tham khảo ý kiến của bạn bè và tìm kiếm trên Google nhưng cuối cùng không làm theo. Nguyên nhân là bởi họ thường sợ phải “hy sinh” tiền lương ổn định của mình cho những điều mà họ chưa biết.
Trong trường hợp của Cuban, năng khiếu bán hàng từ thời thơ ấu đã thuyết phục ông rằng, bản thân có thể vạch ra con đường thành công của chính mình khi trưởng thành.
Bởi khi còn nhỏ, vị cá mập đã bán túi đựng rác và giao đến tận nhà khách hàng. Ông đã mua chúng với giá 3 USD/túi rồi bán lại với giá 6 USD/túi - thu về được gấp đôi số vốn bỏ ra ban đầu.
Khi lớn lên, ở độ tuổi thiếu niên, ông tiếp tục kinh doanh bằng cách bán tem và tiền xu sưu tầm. Khi trở thành một sinh viên đại học, Cuban và một số người bạn từng làm quản lý và tổ chức tiệc cho khách hàng tại một quán bar ở Bloomington, bang Indiana. Công việc kinh doanh phát đạt tới mức sau này, khi quán bar bị buộc đóng cửa, ông đã mua lại tòa nhà và biến nó thành một địa điểm vui chơi nổi tiếng.
Theo ông Cuban, trước khi các doanh nhân trở nên nổi tiếng, họ từng vấp ngã và vượt qua.
Cuban cho biết, Daymond John - một vị "cá mập” khác trên Shark Tank gọi đó là “sức mạnh của sự phá sản”. Vị tỷ phú John cho rằng, đó là một trong những yếu tố quyết định trong hành trình sự nghiệp của bất kỳ chủ doanh nghiệp thành công nào.
Mark Cuban cũng cho biết, ai cũng có nỗi sợ nhưng mỗi người cần bước khỏi ranh giới an toàn, biến sợ hãi thành động lực và thử thách bản thân. “Nếu bạn phá sản, không còn gì để mất thì hãy cứ liều đi”, ông khuyên.
Ngoài ra, bà Isabella Casillas Guzman - một quan chức kinh tế đưa ra quan điểm, “Khi bắt đầu, các doanh nghiệp thất bại liên tục. Một nửa số doanh nghiệp không thành công trong vòng 5 năm qua, nhưng việc tìm ra những gì bạn giỏi, trang bị cho bản thân những kỹ năng/công cụ và nguồn lực để giảm bớt nỗi sợ hãi là điều thực sự quan trọng.”
Hiện tại, Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ của bà Guzman cung cấp một số nguồn lực và chương trình để hỗ trợ thúc đẩy tinh thần kinh doanh và giảm thiểu khó khăn. Chúng bao gồm hơn 1.600 đối tác nguồn lực trên khắp nước Mỹ, sẵn sàng về tài chính và vốn và hơn 4 tỷ USD tài trợ liên bang hàng năm. “Chúng tôi có nhiều khoản trợ cấp lớn về vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty trong giai đoạn đầu và cần hỗ trợ trong nhiều yếu tố”, bà Guzman tiết lộ.