Thông tin được tiết lộ bởi một giám đốc điều hành của Oracle trên Fox Business vào ngày 23/9. Chủ tịch Oracle, Larry Ellison còn cho biết 4/5 thành viên hội đồng quản trị của TikTok sẽ là người Mỹ.
Thông tin tỷ phú Nhật tham gia điều hành TikTok là bước ngoặt tiếp theo trong quá trình đàm phán để ứng dụng chia sẻ video đình đám của Trung Quốc tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
Khi tuyên bố lệnh cấm TikTok, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ứng dụng này có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, với khả năng gửi dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ về máy chủ đặt tại Trung Quốc.
Tính đến 23/9, thỏa thuận đàm phán giữa TikTok và Oracle vẫn bao gồm Zhang Yiming, đồng sáng lập ByteDance trong hội đồng quản trị. Giám đốc điều hành Walmart, Doug McMillon sẽ là giám đốc của TikTok, thành viên còn lại trong hội đồng quản trị TikTok vẫn đến từ các nhà đầu tư của ByteDance như General Atlantic và Sequoia Capital.
SoftBank từng bày tỏ mong muốn thâu tóm tài sản của TikTok tại Ấn Độ. Tuy nhiên, tập đoàn Nhật Bản đã chuyển hướng sang khối tài sản của TikTok Mỹ.
SoftBank cũng đang sở hữu một phần cổ phiếu tại ByteDance, công ty mẹ của TikTok. Năm 2018, SoftBank dẫn đầu một quỹ đầu tư đổ 3 tỷ USD vào ByteDance.
Đại diện các bên liên quan gồm TikTok, Oracle, SoftBank và ByteDance đều chưa có bình luận.
SoftBank từng đầu tư vào nhiều doanh nghiệp Mỹ như Amazon, Tesla, Netflix và Alphabet. Tập đoàn Nhật đã đầu tư tổng cộng 3,9 tỷ USD vào các công ty này.
Son, một trong những người giàu nhất Nhật Bản, cùng quỹ đầu tư 100 tỷ USD SoftBank Vision Fund đang tìm cơ hội mới sau thất bại với WeWork, startup trong lĩnh vực co-working sau một số bê bối liên quan đến CEO khiến kết quả kinh doanh bết bát.
Hiện chưa rõ kế hoạch của SoftBank là sở hữu một phần cổ phiếu của TikTok Mỹ hay là chuyển đầu tư hiện tại vào ByteDance.
Oracle được cho là đang đàm phán sở hữu 12,5% cổ phần TikTok, còn Walmart là 7,5%. ByteDance vẫn nắm quyền kiểm soát với 80% cổ phần của TikTok Mỹ, sẽ đổi thành TikTok Global nếu đàm phán thành công.
Ban đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "chiến thắng" và hoãn lệnh cấm TikTok. Tổng biên tập Global Times Hu Xijin mô tả đây là "thỏa thuận không công bằng nhưng tránh được kết quả tồi tệ nhất".
Tuy nhiên, đến đầu tuần này, Oracle khẳng định phần lớn quyền sở hữu TikTok Global thuộc về người Mỹ. Ông Trump cảnh báo rằng ông sẽ can thiệp để hủy bỏ thỏa thuận nếu các công ty Mỹ không nắm cổ phần chi phối TikTok Global.
Vào cuối tháng 8, chính quyền Bắc Kinh đã thêm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào danh sách các loại hàng hóa cần được kiểm soát khi xuất khẩu.
Dù quy định mới không trực tiếp nhắc đến TikTok, hệ thống gợi ý video dựa trên AI được coi là một trong những tính năng mạnh mẽ nhất của ứng dụng. Chính quyền Trung Quốc cũng không muốn thương vụ này diễn ra.
Hôm 14/9, SCMP cho biết ByteDance sẽ không bán hoặc chuyển giao thuật toán đằng sau TikTok trong bất kỳ thương vụ mua bán hoặc thoái vốn nào. Hiện TikTok vẫn còn thời hạn đến 12/11 để tìm ra giải pháp làm cả Trung Quốc và Mỹ hài lòng.
Link bài gốc