Phát minh quan trọng cho nước đang phát triển
Từ năm 2015, Bill Gates đã tài trợ cho dự án phát triển chuỗi nhà vệ sinh mang tên “Tiger Toilet” và đã được đưa vào sử dụng trên khắp đất nước Ấn Độ.
Sở dĩ Bill Gates đặt tên Tiger Toilet (tạm dịch: nhà vệ sinh con hổ) bởi nhà vệ sinh này hoạt động nhờ một loại giun đất có tên Eisenia Fetida, hay còn gọi là giun hổ, một loài giun ăn phân.
Hiện tại, đã có hơn 4.000 nhà vệ sinh kiểu mới được lắp đặt tại Ấn Độ. Nhìn bề ngoài, Tiger Toilet trông giống như những nhà vệ sinh khác, tuy nhiên nó có những đặc điểm ưu việt hơn hẳn so với các loại nhà vệ sinh thông thường.
Tiger Toilet không cần xả nước và cũng không kết nối với hệ thống thoát nước như nhà vệ sinh truyền thống. Khi một người đi vệ sinh, chất thải của họ sẽ rơi thẳng xuống khoang chứa đầy giun Eisenia Fetida bên dưới. Họ có thể đổ thêm một chút nước từ xô để làm sạch bồn cầu xổm vì trong Tiger Toilet không có thiết bị xả tự động.
Loại giun Eisenia Fetida có thể loại bỏ 99% mầm bệnh và chỉ để lại không quá 15% chất thải dưới dạng phân hữu cơ. Đây là loại phân bón rất tốt cho cây trồng gồm nitơ, phốt pho, carbon và kali. Đặc biệt nhà vệ sinh Tiger Toilet cũng không thu hút ruồi muỗi hay các loài côn trùng khác.
Chiếc bồn cầu thế hệ mới không dùng nước do Quỹ Bill and Melinda Gates nghiên cứu.
Hoạt động của đàn giun sẽ tạo ra hỗn hợp gồm nước, carbon dioxide và một lượng nhỏ phân giun (ít độc và giàu dinh dưỡng hơn phân người). Ông Ajeet Oak, Giám đốc công ty Tiger Toilet, cho biết hỗn hợp nước được đàn giun tạo ra có thể được lọc tự nhiên khi thấm vào lòng đất mà không cần đến nhà máy xử lý nước thải.
Chính phủ Ấn Độ hiện đang khuyến khích người dân lắp đặt Tiger Toilet trong nhà bằng cách hỗ trợ một phần tiền mặt.
Sẵn sàng đầu tư thêm 200 triệu USD
Hiện chi phí lắp đặt Tiger Toilet là 350 USD. Để đưa nhà vệ sinh này ra thị trường, Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates (của vợ chồng tỷ phú Bill Gate) đã tài trợ ít nhất 4,8 triệu USD cho trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London để hoàn thiện công nghệ. Tiger Toilet cũng nhận được 170.000 USD từ quỹ từ thiện USAID để thử nghiệm ban đầu ở Ấn Độ, Myanmar và Uganda.
Tại hội chợ triển lãm bồn cầu ở Bắc Kinh ngày 6/11/2018, Bill Gates chia sẻ ông sẵn sàng chi thêm 200 triệu USD để phát triển công nghệ cho thế hệ toilet hoạt động mà không cần đến hệ thống thoát nước.
Tỷ phú Bill Gates hiện sở hữu khối tài sản ròng lên tới 95,8 tỷ USD và là người giàu thứ hai trên thế giới.
Các phiên bản đầu tiên của Tiger Toilet đã được hơn 5 tuổi và những con giun được sử dụng vẫn chưa phải thay thế. Theo giám đốc công ty Tiger Toilet, sau 8-10 năm họ mới cần bảo trì nhà vệ sinh này.
“Đây là một sản phẩm hoàn toàn mới. Chúng tôi ước tính tới năm 2030, dự án này sẽ có giá trị hơn 6 tỷ USD mỗi năm”, Bill Gates nhận định, bởi theo ông sản phẩm này như một sự thay đổi của cả một cộng đồng ví như máy tính cá nhân hay điện thoại thông minh.
Tỷ phú Bill Gates hiện sở hữu khối tài sản ròng lên tới 95,8 tỷ USD và là người giàu thứ hai trên thế giới. Dù vậy, nếu không làm từ thiện, tài sản của vị tỷ phú này sẽ còn nhiều hơn thế.
Bill Gates cùng Melinda trong một hoạt động từ thiện.
Nhờ quỹ Bill & Melinda Gates Foundation mà tên tuổi của Bill Gates luôn được nhắc đến như một trong những người vĩ đại nhất trên thế giới và có đóng góp lớn trong lĩnh vực từ thiện, dù ông không còn là người giàu nhất thế giới với số tài sản đã tăng trưởng chậm lại trong nhiều năm trở lại đây.
Năm 2010, vợ chồng ông đã hợp tác với ông trùm đầu tư Warren Buffett bắt đầu một chiến dịch mang tên "The Giving Pledge", khuyến khích tỷ phú tặng ít nhất một nửa tài sản của mình để làm từ thiện. Paul Allen, Larry Ellison, Steve Case, và Mark Zuckerberg là một trong những người đã ký cam kết cho đến nay.
Mới đây, Bill Gates cùng với ông chủ Amazon Jeff Bezos và một vài nhà đầu tư cao cấp khác đã xây dựng quỹ liên doanh trị giá 1 tỷ USD, đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch trong tương lai. Quỹ này có tên gọi là Breakthrough Energy Ventures (BEV) hướng tới những nguồn năng lượng sạch, giá rẻ và đáng tin cậy để dùng trong tương lai. Bill Gates cũng đã rót vốn đầu tư vào một công nghệ mới nhằm sản xuất thịt từ tế bào tự sản sinh của động vật.