Để hoàn tất thương vụ thu mua Twitter trị giá 44 tỷ USD, CEO của Tesla đã gửi yêu cầu vay vốn lên tới 13 tỷ USD đến các ngân hàng. Ngày trả lãi cho khoản vay này đã đến. Twitter đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, bán thêm cổ phiếu Tesla hoặc bắt đầu làm thủ tục phá sản cho mạng xã hội này.
Elon Musk đã vay từ nhóm ngân hàng do Morgan Stanley và Bank of America, Barclays và Mitsubishi đại diện. Chủ thể vay tiền là Twitter, không phải là cá nhân vị tỷ phú. Theo Financial Times, Twitter sẽ phải trả khoảng 1,5 tỷ USD tiền lãi mỗi năm cho khoản vay 13 tỷ USD. Đợt trả lãi đầu tiên sẽ đến hạn vào cuối tháng 1 năm nay.
Kể từ khi tiếp quản, Musk đã gấp rút cắt giảm chi phí, sa thải 50% nhân viên của công ty, đồng thời tìm kiếm các nguồn doanh thu mới như tung ra dịch vụ đăng ký Twitter Blue.
Trước khi được mua lại, Twitter đã lỗ 221 triệu USD vào năm 2021. Hiện nay, doanh thu của nền tảng này vẫn tiếp tục giảm và phải gánh thêm khoản tiền lãi khổng lồ. Nếu không thể thanh toán số tiền này, ban lãnh đạo công ty có thể sẽ phải nộp đơn xin phá sản để bắt đầu quá trình tái cơ cấu nợ. Chính bản thân Chief Twit cũng đã nhiều lần đề cập rằng tình hình tài chính của Twitter có vấn đề và "úp mở" về việc mạng xã hội này có khả năng nộp đơn phá sản.
Khoảng thời gian sau khi Elon Musk tiếp quản, Twitter đã trở nên vô cùng hỗn loạn, điển hình là bị các thương hiệu "xa lánh" khiến mảng quảng cáo mang lại 5 tỷ USD mỗi năm sụp đổ. Vậy nên, khả năng lãnh đạo của Musk đối với Twitter sẽ được thể hiện thông qua cách vị tỷ phú xoay xở để ứng phó với khoản thanh toán lãi sắp đến.
Theo Financial Times, ông chủ Twitter có thể giải quyết vấn đề này nhờ nguồn dự trữ tiền mặt đang cạn kiệt của Twitter hoặc bán thêm cổ phần của Tesla. Dù sử dụng cách nào cũng là lựa chọn đầy gian nan.
Tỷ phú Musk cho biết Twitter có khoảng 1 tỷ USD tiền mặt. Ông cũng từng cảnh cáo chi phí hoạt động của nền tảng có thể chạm mức 6 tỷ USD nếu không thực hiện các chính sách cắt giảm chi phí. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao hiện nay, khoản nợ của Twitter sẽ ngày càng cao, đồng thời giá trị doanh nghiệp của công ty cũng bị ảnh hưởng.
Khoản đầu tư cá nhân trị giá 26 tỷ USD của Musk vào Twitter sẽ bị xóa sạch nếu nền tảng này phá sản. Cùng với đó, các bên có liên quan đến vốn chủ sở hữu như Sequoia Capital, đồng sáng lập Oracle, Larry Ellison và hoàng tử Ả Rập Saudi Alwaleed bin Talal cũng không tránh khỏi tổn thất. Nhiều chủ ngân hàng và chuyên gia phân tích cho rằng khả năng nộp đơn xin phá sản là rất thấp bởi điều này sẽ khiến ông chủ Twitter có nguy cơ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp.
Trong khi đó, việc CEO Tesla liên tục bán cổ phiếu của hãng xe điện và cổ phiếu công ty giảm 65% trong năm 2022 đã khiến cho giá trị cổ phần của Musk tại Tesla giảm xuống còn 50 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 170 tỷ USD ở thời điểm ông công bố mua Twitter vào tháng 4/2022.
Các nhà đầu tư của Tesla đang lo ngại việc tiếp quản Twitter có thể khiến Musk xao nhãng công việc gây ảnh hưởng đến tương lai của công ty. Đồng thời, vị tỷ phú này cũng có thể sẽ tiếp tục bán thêm cổ phiếu Tesla để "gỡ rối" cho nền tảng mới của mình.