Khó chồng khó
Báo cáo tài chính quý II của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) ghi nhận doanh thu thuần đạt 155 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý này, Vinasun lỗ hơn 110 tỷ đồng và lũy kế nửa năm đã vượt kế hoạch lỗ cả năm. Trước đó, trong quý I, Vinasun đạt doanh thu 366 tỷ đồng, giảm 31% so cùng kỳ 2019. Lợi nhuận gộp của quý I giảm 58%, còn 50 tỷ đồng.
Hội đồng Quản trị Vinasun lý giải, Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong khi công ty vẫn chịu cạnh tranh gay gắt từ các hãng gọi xe công nghệ nước ngoài.
“Nhưng thiệt hại nhất trong những tháng qua là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh thu cả quý II chưa bằng tháng 1 và lỗ của quý là 116 tỷ đồng”, ông Trần Anh Minh - Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư và phát triển Vinasun cho biết.
Năm 2020 được ban lãnh đạo Vinasun đánh giá là năm khó khăn nhất kể từ khi thành lập, cũng là lần đầu tiên công ty đặt kế hoạch kinh doanh dưới giá vốn sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019 tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, các cổ đông của Vinasun đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2020 giảm đến 41%, còn 1.180 tỷ đồng và kế hoạch lỗ sau thuế 115 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên kể từ khi niêm yết, Vinasun đặt kế hoạch kinh doanh lỗ.
Theo số liệu từ Vinasun, doanh thu của hãng liên tục giảm kể từ năm 2016, thời điểm mà taxi công nghệ thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể, năm 2016, doanh thu Vinasun đạt hơn 4.500 tỷ đồng nhưng đến năm 2017 còn hơn 2.937 tỷ đồng (giảm 35%), năm 2018 tiếp tục xuống (giảm 29,4%) còn hơn 2.073 tỷ đồng.
Đến năm 2019 thì chỉ còn hơn 1.991 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2018. Số lượng khách đi xe cũng giảm mạnh qua các năm, từ 34.079 lượt trong năm 2018 giảm còn 27.432 lượt trong năm 2019, giảm đến 20%.
Không chỉ giảm về doanh thu, số lượng xe của hãng cũng liên tục giảm trong những năm gần đây. Và tính đến cuối năm 2019, Vinasun có 4.921 xe kinh doanh taxi, giảm 15,29% so với đầu năm.
Một thương hiệu taxi khác là Mai Linh đã kết thúc 2019 với doanh thu thuần đạt 2.217 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2 tỷ đồng. Nhưng khoảng lợi nhuận trên là tổng cộng của cả một hệ sinh thái vận tải gồm taxi, xe hợp đồng, xe cho thuê, xe buýt, xe đường dài, tàu cao tốc, dịch vụ phát chuyển nhanh, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ du lịch dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa xe, cứu hộ 24/7…
Theo lãnh đạo Mai Linh, đợt dịch Covid-19 lần hai này khiến doanh thu taxi của doanh nghiệp giảm 30%, riêng các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt giảm đến 50% so với giai đoạn bình thường.
Các doanh nghiệp taxi cho rằng, một trong những khó khăn mà taxi truyền thống đối mặt trong những năm qua là sự cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty ngoại cạnh tranh bằng giá thấp phi lý, liên tục dùng nguồn tài chính khuyến mãi cho khách hàng, tài trợ cho cho các chủ lái xe…
Ngoài ra, năm nay, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho hoạt động của doanh nghiệp taxi vốn đã khó lại càng thêm khó. Và dù lượng khách giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp taxi vẫn phải gồng mình chi trả các khoản chi phí cố định. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng và chi phí cho khoản phòng chống dịch nên khó khăn lại thêm chồng chất.
“Công nghệ hóa” taxi truyền thống
Theo thống kê chưa đầy đủ của giới kinh doanh, sau 5 năm kể từ khi Uber, Grab bước chân vào thị trường Việt Nam, có khoảng 40 hãng taxi truyền thống đã biến mất trên thị trường và nhiều hãng khác bị thu hẹp thị phần.
Hai “ông lớn” của ngành là Vinasun và Mai Linh cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Các doanh nghiệp taxi truyền thống buộc phải thay đổi nếu muốn tồn tại.
Bị các hãng taxi công nghệ cạnh tranh và chiếm thị phần, lãnh đạo Mai Linh cho biết đang chuyển đổi từ taxi truyền thông sang taxi công nghệ. Từ vài năm trước, Mai Linh đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ vào vận hành.
Năm 2020, Mai Linh tiếp tục tái cấu trúc, phát triển và ứng dụng công nghệ để chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ. Hãng taxi này đặt mục tiêu sẽ có 20.000 xe taxi công nghệ sau năm 2021.
Giữa tháng 7 vừa qua, Mai Linh đã bắt đầu thí điểm taxi công nghệ tại Nghệ An. Khác với dòng taxi truyền thống, taxi công nghệ của Mai Linh dùng app để gọi xe và tích hợp thanh toán bằng nhiều loại thẻ, hạn chế dùng tiền mặt.
Theo đó, khách hàng có thể đặt xe thông qua ứng dụng, qua tổng đài hoặc đón xe ở điểm bất kỳ. Toàn bộ cước phí sẽ được tính toán và hiển thị trên ứng dụng điện thoại hoặc đồng hồ thông minh, khách hàng cũng có thể thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các loại thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử… với thiết bị được gắn trên xe.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông vừa qua, ông Hồ Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mai Linh cho biết: “Đây là chiến lược quan trọng của Mai Linh trong thời gian tới. Công ty phải chuyển mình thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trên đường đua số”.
Cũng như thế, đầu tháng 8, Vinasun đã ra mắt tiện ích thanh toán VNS Prepaid - Vinasun trả trước. Đây là phương thức thanh toán mới với mong muốn mang đến cho người dùng trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, tiện dụng, an toàn.
Theo lãnh đạo của Vinasun, chiến lược của công ty năm nay là tập trung giữ vững thị phần, thu hút người lao động, duy trì hoạt động kinh doanh trước tác động của dịch bệnh và áp lực cạnh tranh không cân sức.
Vinasun thường xuyên nâng cấp phần mềm điều xe và quản lý hiện đại vào kinh doanh để nâng cấp chất lượng dịch vụ đáp ứng tiêu chí tiện ích, nhanh chóng, an toàn… đồng thời gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Link bài gốc