Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã CK: KDC) sáng 20/12, HĐQT chính thức thông báo thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TTV sau hơn một năm thành lập. Công ty TTV có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với 61% thuộc sở hữu của Kido, đang vận hành chuỗi cửa hàng trà - cà phê thương hiệu Chuk (tên cũ Chuk Chuk).
Chuk Chuk chính thức ra mắt thị trường vào tháng 6/2021 – đúng thời điểm dịch Covid-19 đang trong giai đoạn cao điểm tại Tp.HCM. Giari thích về quyết định ngược chiều này, Ban lãnh đạo KIDO và Chuk Chuk cho biết, họ đã chuẩn bị và thử nghiệm chuỗi cửa hàng F&B này suốt một năm qua nên không thể trì hoãn thêm.
Ban đầu, Chuk Chuk bán ba loại sản phẩm chính là kem, trà, cà phê. Không chỉ mở theo mô hình cửa hàng truyền thống, Chuk Chuk định hướng phát triển thêm mô hình kiosk và xe đẩy. KIDO đặt mục tiêu có trên 50 cửa hàng vào cuối năm 2021 và bắt đầu nhượng quyền vào 2022. Trong giai đoạn 2021/2023, Chuk Chuk sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển mở rộng sang các nước châu Á bằng việc triển khai chính sách nhượng quyền thương hiệu theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ đối tác về mặt hình ảnh và chiến lược hoạt động.
Chưa dừng lại ở đó, KIDO tham vọng đưa chuỗi Chuk Chuk chạm mốc 1.000 cửa hàng vào năm 2025, phục vụ trên 25 triệu khách hàng, niêm yết trên sàn chứng khoán và có thể dẫn đầu thị trường ngành đồ uống. Trong sự kiện công bố dự án năm ngoái, CEO KIDO là ông Trần Lệ Nguyên tự tin rằng phí nhượng quyền Chuk Chuk ở mức rẻ nhất nhì thị trường, cộng hệ thống phân phối rộng lớp của công ty mẹ sẽ giúp chuỗi đạt mục tiêu về quy mô.
Đến tháng 7/2022, KIDO âm thầm đổi tên cũng như nhận diện thương hiệu Chuk Chuk của mình. Tên thương hiệu từ Chuk Chuk Ice Cream – Coffee – Tea chỉ còn Chuk Coffee & Tea. Hiện Chuk có 36 cửa hàng tại Tp.HCM, 5 cửa hàng tại Hà Nội, 3 cơ sở tại Đồng Nai, 2 tại Bình Dương và 1 tại Vũng Tàu. Tổng số cửa hàng hiện tại vẫn chưa chạm đến mục tiêu đề ra đến cuối năm 2021.
Giải thích về quyết định thoái vốn khỏi Chuk, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên cho biết, hệ thống F&B sẽ tách ra khỏi Kido, độc lập hoàn toàn. Việc đó cũng giúp chuỗi cà phê này có thể phát triển nhanh, linh hoạt hơn.
Trước đó, Kido cũng đã công bố dừng hoạt động Vibev - liên doanh giữa Kido và Vinamilk - sau một năm tung ra thị trường những sản phẩm đầu tiên. Ông Nguyên chia sẻ thời điểm hiện tại, thị trường chung khó khăn trong khi liên doanh mới ra đời, còn đi chậm. Nếu muốn đi nhanh, Kido và Vinamilk sẽ phải đầu tư rất lớn. Cả hai bên đều chưa mong muốn điều này sau khi cân nhắc, vì trong bối cảnh hiện nay thì phải ưu tiên phòng thủ hơn.
Cũng trong cuộc họp ngày 20/12, Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên cho biết chiến lược sắp tới của doanh nghiệp là tách 4 mảng kinh doanh riêng biệt gồm dầu ăn, kem, bánh kẹo, nước mắm và các loại nước chấm. Quyết định này nhằm tận dụng cơ hội từ sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Nguyên, hiện có nhiều đối tác ngoại quan tâm đến từng lĩnh vực của Kido. Tuy nhiên, họ lại không sẵn sàng đầu tư vào cả tập đoàn.