Ngày pháp luật

Vinamilk (VNM) sắp chi hơn 2.900 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 2/2022, thông báo dừng hoạt động công ty liên doanh với Kido

Giang Phạm

VNM quyết định tạm dừng hoạt động, giải thể công ty liên doanh Vibev là vì một số thay đổi trong định hướng phát triển của đôi bên.

Ngày 23/12 tới đây sẽ là ngày chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2022 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã CK: VNM). Điều đó có nghĩa, ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là 22/12.

Tỷ lệ trả cổ tức đợt này là 14%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi một cổ phiếu sẽ nhận về 1.400 đồng. Thời gian chi trả dự kiến là vào ngày 28/2/2023.

Với gần 2,09 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Vinamilk sẽ chi khoảng 2.926 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. 

Tại Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 752,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 36% vốn). Theo đó, SCIC sẽ nhận về hơn 1.050 tỷ đồng tiền cổ tức.

Vinamilk (VNM) sắp chi hơn 2.900 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 2/2022, thông báo dừng hoạt động công ty liên doanh với Kido - Ảnh 1

Năm 2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinamilk đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ là 38,5%. Tổng giá trị cổ tức chi trả bằng tiền dự kiến là 8.046 tỷ đồng. Trước đó vào tháng 8, công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% tiền mặt, tương ứng số tiền chi ra hơn 3.133 tỷ đồng. Như vậy, cổ đông Vinamilk tính tới thời điểm hiện tại mới nhận 29% cổ tức bằng tiền mặt (2.900 đồng/cổ phiếu).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM chốt phiên 1/12 đạt 82.400 đồng/đơn vị, tăng hơn 32% so với vùng đáy giữa tháng 6.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, tổng doanh thu của VNM đạt 16.094 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.363 tỷ đồng, tăng 10,5% so với quý trước và là mức cao nhất trong 4 quý gần đây. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu VNM đạt 44.994 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 6.748 tỷ đồng, tương đương EPS 2.835 đồng. Với kết quả đạt được, sau 9 tháng, công ty thực hiện lần lượt 70% doanh thu và 69% lợi nhuận kế hoạch năm.

Kết quả kinh doanh của VNM khởi sắc nhờ mức tiêu dùng ngành sữa ổn định trở lại và các kênh phân phối đều hoạt động hiệu quả. Đồng thời, Vinamilk cũng đang triển khai nhiều dự án tái định vị, tái cấu trúc mạnh mẽ để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn và tối đa hóa các lợi thế sẵn có về thương hiệu, quy mô kinh tế, sức mạnh tài chính trong bối cảnh môi trường cạnh tranh tăng cao.

Mới đây nhất, ngày 1/12, Công ty Vinamilk (VNM) và Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã: KDC) cùng thông báo dừng hoạt động và giải thể Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev.

Ra đời từ tháng 3/2021, liên doanh mang thương hiệu Vibev có vốn đầu tư ban đầu 400 tỷ đồng, trong đó, Kido góp 196 tỷ đồng (49% vốn), còn Vinamilk góp 204 tỷ đồng (51% vốn). Tháng 11/2021, liên doanh này đã cho ra mắt 2 sản phẩm đầu tiên thuộc thương hiệu Oh Fresh là Sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Vinamilk và Kido quyết định giải thể công ty. Lý do 2 công ty đưa ra là vì một số thay đổi trong định hướng phát triển của đôi bên. Ngoài ra, Kido còn bổ sung thêm lý do đến từ ảnh hưởng của những biến động khó đoán của thị trường trong nước và kinh tế thế giới.

Tin Cùng Chuyên Mục