Chuyển tiền, mua cá, mớ rau qua... điện thoại di động
John Santos, 32 tuổi, là một người Philippines đang sống và làm việc ở Singapore. Điện thoại di động đối với chàng trai này là vật bất ly thân, không chỉ dùng để liên lạc mà còn là trợ lý cá nhân, "người" phiên dịch, trung tâm giải trí, và cả ngân hàng di động nữa.
Vì làm việc ở nước ngoài nên Santos thường xuyên giao dịch kiều hối với người nhà ở Philippines thông qua một ứng dụng cho phép người dùng chuyển/nhận tiền mà không cần tới ngân hàng. Điều này hoàn toàn trái ngược với thế giới mà cha mẹ anh đã quen thuộc hồi những năm 1990, khi việc chuyển tiền ra nước ngoài phải qua một công ty trung gian với phí đắt đỏ cùng thời gian dài.
"Dù ở đâu, thứ tôi cần để gửi tiền là chỉ là chiếc điện thoại di động đang nằm trong túi", John Santos chia sẻ.
Philippines là một quốc đảo, với đặc điểm nổi bật về địa lý chia cắt. Quốc gia này mới chỉ phổ cấp được internet tới 20% dân số và tỷ lệ smartphone còn thấp hơn thế. Hơn một nửa dân số Philippines cũng không tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng truyền thống. Thế nên, ở đây, Mobile Money gần gũi đến mức người dân Philippines sử dụng ứng dụng này ngay cả trong giao dịch hàng ngày như đi chợ, trả hoá đơn, góp phần giúp quốc gia Đông Nam Á này dẫn đầu xu thế thanh toán di động trong ASEAN.
Trong khi đó, với tình trạng lạm phát phi mã lên tới 700%, tỷ giá chợ đen và chính thức chênh lệch tới 40 lần, người dân Zimbabwe cũng tìm đến ứng dụng Mobile Money như cách thức trao đổi tiền mặt hữu dụng duy nhất còn sót lại, nhằm chi trả cho các khoản tiền mua hàng thiết yếu bởi khả năng giao dịch dễ dàng ngày cả ở một cửa hàng tiện lợi. Suốt thời kỳ 2011-2018, Zimbabwe trở thành nền kinh tế không tiền mặt điển hình, với 80% giao dịch thường nhật được thực hiện qua ứng dụng Mobile Money.
Một quốc gia châu Phi có nền kinh tế kém phát triển khác là Kenya cũng nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về tiền di động khi chỉ với M-Pesa chỉ sau 12 năm ra mắt đã cung cấp dịch vụ cho hơn 42 triệu người dùng và sở hữu tới 400.000 đại lý ở đất nước chỉ có 53 triệu dân này.
Báo cáo của Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA) cũng cho biết tính đến cuối năm 2019 đã hơn 290 loại hình giao dịch được triển khai ở 95 quốc gia trên thế giới, đặc biệt hiệu quả tại các nước kém và đang phát triển. Với 1,04 tỷ tài khoản được đăng ký, hơn 37 tỷ giao dịch, tổng giá trị giao dịch thông qua dịch vụ Mobile Money đã đạt đến con số 690 tỷ USD.
Tiện lợi nhưng vẫn cần cẩn trọng
Không ai có thể phủ nhận được tính tiện ích mà Mobile Money có thể đem lại cho người sử dụng. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng dễ dàng bị lạm dụng để thực hiện hành vi rửa tiền bởi những đặc tính ẩn danh và giao dịch nhanh.
Tính ẩn danh thể hiện ở cách sử dụng dịch vụ. Theo đó, người dùng chỉ thông qua một chiếc điện thoại hay cụ thể là một thuê bao di động để giao dịch, đồng thời không cần thực hiện thủ tục xác minh danh tính khi chuyển tiền hay thanh toán giao dịch. Do đó, nếu tội phạm rửa tiền trộm được điện thoại và thông tin thì hoàn toàn có thể thực hiện được dễ dàng.
Ở một góc nhìn riêng, chính quyền của tổng thống Mnangawa đổ lỗi cho Mobile Money đã khiến thị trường tiền tệ của Zimbabwe méo mó, khiến đồng nội tệ thêm mất giá do những giao dịch ngầm khó quản lý.
Các đại lý trung gian cho dịch vụ di động có phục vụ Mobile Money ở quốc gia này được cho là đã lạm dụng việc rút tiền một cách bất hợp pháp, làm tổn hại hệ thống thanh toán chỉ qua một dịch vụ đơn giản như nạp thẻ điện thoại.
Để hạn chế rủi ro này, nhiều nước yêu cầu các nhà mạng phải triển khai hệ thống có mã xã thực, mã PIN hoặc mật khẩu khi thực hiện trên thiết bị di động nhằm xác minh danh tính người dùng, cho phép giám sát mọi giao dịch. Thậm chí, chỉ những người có tài khoản ngân hàng mới có thể thực hiện gaio dịch chuyển tiền cho những người không có tài khoản, nhằm định danh người sử dụng dịch vụ cũng như hỗ trợ phổ cập kết nối ngân hàng.
Việc đặt hạn mức giao dịch tối đa cũng là bước đi được nhiều chính phủ các quốc gia thực hiện nhằm hạn chế rửa tiền, giao dịch phi pháp. Các hệ thống buộc phải kết nối với kho lưu trữ dữ liệu cho mọi giao dịch đến và đi trong thời gian tối thiếu 5 năm kể từ khi phát sinh. Riêng với tài khoản không còn sử dụng, các thông tin về định danh khách hàng phải được lưu thông tin để có thể kiểm tra sau này.
Mobile Money sắp được triển khai tại Việt Nam
Mới đây, Thủ tướng đã cấp phép cho Mobile Money được thí điểm ở Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota cho thấy, tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có khoảng 130 triệu thuê bao di động, trong đó, số thuê bao 3G và 4G là hơn 65,3 triệu.
Với khoảng 43,7 triệu người dùng smartphone, chiếm 45% dân số năm 2019, Việt Nam lọt top 15 thị trường có lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới, sánh vai cùng nhiều quốc gia phát triển như Anh, Nhật Bản, Đức... Cùng với đó, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam cũng ở mức cao, chiếm 70,3%.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng khoảng 180%, tuy nhiên Việt Nam mới chỉ có 89 triệu tài khoản ngân hàng cá nhân, tương đương với 70% người trưởng thành. 30% người còn lại là những người chưa có tài khoản ngân hàng, hoặc chưa có điều kiện tiếp cận, mở tài khoản ngân hàng do ở vùng sâu, vùng xa...
Vì lẽ đó, việc thí điểm dịch vụ Mobile Money hứa hẹn góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đẩy mạnh việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ, đặc biệt ở địa phương bị hạn chế về mặt địa lý.